(TCTG)-Trong 2 ngày 30 - 31/12, tại thành phố Hòa Bình (tỉnh Hoà Bình), Bộ nội vụ đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và bước đầu đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ. Thành công lớn nhất của Luật là đã xác định được rõ trách nhiệm của Chính phủ trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, an ninh quốc phòng, tổ chức bộ máy, công chức công vụ, văn hoá - xã hội và đối ngoại… Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành, đến nay việc đánh giá những ưu điểm cũng như mức độ phù hợp trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Đó là chưa thực sự đảm bảo Chính phủ có vị trí, vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Nhiều vấn đề đặt ra xoay quanh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Chính phủ cần được nghiên cứu, sửa đổi… Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 đã thống nhất, dự kiến đặt tên các điều và bổ sung nội dung một số điều nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo đều cho rằng: Trong công tác đánh giá tình hình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 cần tách bạch hai bước đánh giá những vấn đề đạt được và chưa đạt được. Luật sửa đổi, bổ sung nên luật hoá những yêu cầu mang tính nguyên tắc cho việc thiết lập tổ chức Chính phủ theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Cần thực hiện mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không để chống chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ và đặc biệt phải đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước một cách hợp lý./.
VH