Thứ Hai, 23/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 21/12/2011 21:15'(GMT+7)

Người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ - thực trạng và giải pháp

Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông còn là do người đi bộ đi dưới lòng đường - Ảnh: Chinhphu.vn

Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông còn là do người đi bộ đi dưới lòng đường - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 2/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, quy định rõ những quy tắc bắt buộc dành cho người đi bộ, chế tài xử phạt, thẩm quyền xử phạt, nhưng tình trạng người đi bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông dường như chưa cải thiện được nhiều.

Thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người mà nguyên nhân chủ yếu là do người đi bộ đi dưới lòng đường, hay tùy tiện băng qua đường, dải phân cách cứng, khiến cho người điều khiển phương tiện cơ giới không kịp xử lý dẫn đến va chạm trực tiếp với người đi bộ, hoặc tránh được người đi bộ khỏi thương vong thì gây tai nạn với phương tiện khác, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với người đi bộ vi phạm ít được lực lượng chức năng quan tâm. Theo các thống kê tại các đơn vị Cảnh sát giao thông đường bộ, số biên bản xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến người đi bộ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số các vi phạm bị xử lý.

Nguyên nhân vi phạm do ý thức hay hạ tầng?

Để đảm bảo thuận lợi và an toàn cho người đi bộ, hiện nay ngành Giao thông công chính đã lắp đặt các biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông khá đầy đủ trên hầu hết các tuyến đường, các nút giao thông. Tại các thành phố, thị xã, quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn đã xây dựng cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ sang đường. Vỉa hè được sửa sang, lát gạch chống trơn, thuận tiện cho người đi bộ.

Theo quy định người đi bộ muốn qua đường phải chờ ở giao lộ, khi đèn đỏ chặn các phương tiện cơ giới, đèn xanh dành cho người đi bộ thì sang đường tại các vạch sơn dành cho người đi bộ, nhưng nhiều người không chấp hành.

Việc cho phép ô tô, mô tô được phép rẽ phải khi có đèn đỏ, khiến cho phát sinh xung đột giao thông giữa phương tiện rẽ phải với người đi bộ, có khả năng gây tai nạn cho người đi bộ, nhất là vào giờ cao điểm nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao. Có trường hợp tại một ngã tư, một người nước ngoài chờ tín hiệu đèn xanh cho người đi bộ đến 3-4 lần mà vẫn không sang được đường, vì ô tô, mô tô rẽ phải không chịu nhường đường. 

Tại những vạch ưu tiên dành cho người đi bộ qua đường nơi không có giao lộ, không có đèn tín hiệu, khi thấy người đi bộ qua đường, các người điều khiển các phương tiện cơ giới thường không có ý thức giảm tốc độ, hoặc nhường đường, khiến cho người đi bộ sang đường rất khó khăn.

Một số cầu vượt được quy hoạch chưa hẳn phù hợp. Một số hầm chui qua đường đã được xây dựng xong, nhưng cũng không được đưa vào khai thác sử dụng liền.

Có tuyến đường có dải phần cách cứng, hoặc rào phân cách làn đường, người đi bộ muốn qua đường phải đi hàng cây số mới đến điểm mở để sang được đường… Do đó, để di chuyển nhanh chóng, người đi bộ không đi đến điểm cầu vượt, hầm chui mà vẫn băng qua đường, trèo qua dải phân cách, rào chắn phân cách để sang đường.

Một số nơi, vỉa hè dành cho người đi bộ bị chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ, trông giữ xe đạp, xe máy, khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường. Ở các trường học, vào giờ tan trường học sinh tràn xuống vỉa hè, lòng đường gây xung đột giao thông với phương tiện.

Nguyên nhân vi phạm về khách quan do hạ tầng cơ sở, do ý thức người điều khiển phương tiện cơ giới,  tuy nhiên ý thức chủ quan của người đi bộ vẫn là nguyên nhân chủ yếu.

Vướng mắc khi xử phạt

Theo quy định, mọi vi phạm hành chính bị phát hiện đều phải bị xử lý. Người đi bộ tham gia giao thông có hành vi vi phạm dù cố ý hay vô ý, khi bị phát hiện đều phải bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Mặc dù thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông được chỉ đạo phải quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, triển khai Nghị định 34/2010/NĐ-CP, việc xử lý người đi bộ vi phạm gặp không ít khó khăn.

Một trong các nguyên nhân có thể kể đến là khi cảnh sát lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính đối với người đi bộ thì người đi bộ thường không xuất trình giấy chứng minh nhân dân, hoặc các giấy tờ khác chứng minh nhân thân, hoặc người vi phạm không mang theo giấy tờ và tiền, nên rất khó cho việc lập biên bản hành vi vi phạm để ra quyết định xử phạt hành chính.

Trong khi đó, tại Điều 12 Nghị định 34/2010/NĐ-CP không có quy định tạm giữ người đi bộ để bảo đảm việc xử lý vi phạm, do đó người có thẩm quyền xử phạt cũng không có quyền tạm giữ người đi bộ vi phạm để bảo đảm việc phạt tiền.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 của Thông tư số 42/2010/TT-BCA ngày 4/11/2010 của Bộ Công an, một trong những trường hợp được tạm giữ theo thủ tục hành chính là trường hợp tạm giữ người để “bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, chỉ có Trưởng công an phường, Trưởng công an cấp huyện, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông mới đủ thẩm quyền ra quyết định tạm giữ hành chính (theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính (ban hành kèm theo Nghị định 162/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ). Do đó việc tạm giữ hành chính người đi bộ để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính cũng rất khó thực hiện và chồng chéo thẩm quyền.  

Bên cạnh đó, hành vi vi phạm của người đi bộ rất nhiều, mọi lúc, mọi nơi nên lực lượng chức năng cũng không kiểm soát hết được. Trong trường hợp người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách… thì càng khó kiểm soát hơn bởi lực lượng cảnh sát giao thông thường chốt tại các giao lộ, nhưng người đi bộ thường sang đường ở bất cứ nơi nào.

Một lý do khác cũng tạo ra tâm lý "ít" xử lý đó là mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người đi bộ thấp, chỉ từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng, mức phạt cao nhất là 120.000 đồng.  

Biện pháp xử phạt không khó

Song song với việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, ở trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông để bảo vệ mình, thì biện pháp xử phạt nghiêm vi phạm hành chính là một trong các hình thức quan trọng để nâng cao ý thức của người đi bộ.

Việc xử phạt hành vi người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ không khó. Cảnh sát giao thông cần cương quyết trong việc xử lý vi phạm, dù mức phạt có thể còn thấp, dù có thể mất nhiều thời gian.

Đối với người đi bộ vi phạm khi bị lập biên bản vi phạm hành chính mà không mang theo giấy chứng minh nhân dân, không mang theo tiền nộp phạt, thì người lập biên bản vi phạm ngoài việc lập biên bản theo thủ tục chung, cần chụp ảnh, lấy dấu vân tay người vi phạm và hẹn ngày đến cơ quan công an xuất trình phiếu thu đã nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước.

Nếu người vi phạm khai tên tuổi, địa chỉ không đúng, không thực hiện việc nộp phạt, thì qua hình ảnh và dấu vân tay, cơ quan công an có thể xác minh được nhân thân và địa chỉ người vi phạm để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất