Nhân kỷ niệm lần thứ 8 ngày Di sản văn hoá Việt Nam, ngày 21-11-2012, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thanh Hoá, Hội khoa học lịch sử Thanh Hoá, Uỷ ban nhân dân huyện Hà Trung, Viện khảo cổ học Việt Nam và dòng họ Hồ Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Hồ Quý Ly với quê hương Hà Trung”. Gần 150 nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu lịch sử Trung ương và địa phương tham dự hội thảo. Có 23 báo cáo tham luận và nhiều bài nghiên cứu làm tài liệu tham khảo được gửi tới Hội thảo .
Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam có một vương triều chỉ tồn tại trong 7 năm (1397-1404) nhưng dấu ấn của triều đại đó vẫn còn mãi mãi với nước Việt Nam và nhân loại trên thế giới - đó là vương triều Hồ mà người đứng đầu là Hồ Quý Ly.
Hơn 600 năm qua, nhiều công trình nghiên cứu lớn như: Đại việt sử ký toàn thư, Đại nam nhất thống trí và rất nhiều các công trình nghiên cứu trong thời đại Hồ Chí Minh, đã giúp chúng ta hiểu biết thêm về Hồ Quý Ly và vương triều Hồ trong lịch sử nước nhà, đồng thờămtngf bước làm sảng tỏ những giá trị văn hoá mang tầm vóc quốc tế.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của Hồ Quý Ly, thì ít người biết đến ông được sinh ra và lớn lên tại làng Đại Lại - một vùng quê sông núi hữu tình của xã Hà Đông, huyện Hà Trung (Thanh Hoá).
Hội thảo ngoài việc kế thừa những tư liệu lịch sử về thân thế, sự nghiệp của Hồ Quý Ly, đã tập trung làm sáng tỏ thêm nguồn tư liệu về mối quan hệ giữa Hồ Quý Ly với vùng đất Hà Trung, khẳng định làng Đại Lại là nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tài năng, cốt cách Hồ Quý Ly. Đồng thời, đặt ra vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, các di sản vật thể và phi vật thể thời Trần - Hồ còn để lại trên đất Hà Trung, đặc biệt đối với di tích Ly Cung (còn gọi là Cung Bảo Thanh), một công trình kiến trúc do Hồ Quý Ly xây dựng, nay vẫn còn dấu tích khảo cổ học tại xã Hà Đông, huyện Hà Trung.
Điều quan trọng nữa được đề cập nhiều trong hội thảo là xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn cùng với dòng họ Hồ Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản liên quan đến Hồ Quý Ly. Thông qua đó, gắn kết giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch của địa phương./.
Khương Bá Tuân