Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 19/11/2012 17:2'(GMT+7)

Luật KH&CN sửa đổi gỡ khó cho người làm khoa học

Ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ông Trần Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chuyển đổi từ cơ chế hành chính sang cơ chế quản lý quỹ

Đánh giá về dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nhấn mạnh Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi lần này có nhiều điểm mới tập trung vào những điều khoản khắc phục khuôn khổ bó hẹp của cơ chế hành chính đối với hoạt động khoa học.

Trong dự thảo Luật có 6 điều thể hiện sự chuyển đổi từ cơ chế hành chính sang cơ chế quản lý quỹ để tạo sự thông thoáng cho hoạt động Khoa học và Công nghệ. Dự thảo Luật đã có những quy định tháo gỡ từ công tác lập kế hoạch, công tác xác định nhiệm vụ, phê duyệt nhiệm vụ, thanh quyết toán cũng như tháo gỡ việc lập dự toán chi phí cho hoạt động Khoa học và Công nghệ bằng điều khoản khoán chi.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng điểm mới dự thảo Luật lần này đã đề cập đến nhưng chưa giải quyết triệt để như việc áp dụng cơ chế quản lý quỹ cho hoạt động khoa học. Dự thảo luận mới quy định đối với hình thức nghiên cứu khoa học còn hình thức nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ thì chưa được đề cập đến trong việc tháo gỡ cơ chế.

Đại biểu cho rằng vấn đề cần được giải quyết là việc thu hút nguồn lực của xã hội cho hoạt động khoa học đặc biệt là cho doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, việc thu hút nguồn lực cho doanh nghiệp rất thấp. Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi lần này đã đề cập đến vấn đề thu hút nguồn lực, nhưng cơ chế thu hút nguồn lực của doanh nghiệp chưa giải quyết triệt để. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để hoàn thiện thêm nội dung này.

Đại biểu đánh giá dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ đã đề cập vấn đề về thị trường khoa học và công nghệ rõ hơn. Thị trường khoa học và công nghệ là nơi giao dịch các sản phẩm khoa học và công nghệ, vì vậy, khi có thị trường sẽ tạo môi trường luân chuyển hàng hóa, kích thích các hoạt động khoa học và công nghệ... Điều này đồng nghĩa với không chỉ Khoa học và Công nghệ phát triển mà còn góp phần làm tăng chất lượng của nền kinh tế.

Để khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu


Đại biểu Nguyễn Thị Doan (Hà Nam) đánh giá dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi có nhiều điểm mới, đặc biệt là vấn đề về cơ chế tài chính thông thoáng, khắc phục nhiều bất cập hiện nay của hoạt động khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn cơ chế khoán cho các đề tài, các cơ sở nghiên cứu khoa học. Ngoài ra cần làm rõ vấn đề bắt buộc các doanh nghiệp phải có quỹ nghiên cứu khoa học và dành một khoản lợi nhuận trước thuế cho doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ cũng như cần có quy định cách thức doanh nghiệp sử dụng quỹ.

Theo đại biểu, dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi tuy có nhiều điểm mới nhưng ban soạn thảo cần thực sự thay đổi tư duy đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là tư duy trong quản lý thì mới theo kịp tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ mới được ban hành, trong đó có một số nội dung về sắp xếp tổ chức nghiên cứu khoa học, thái độ đối với người nghiên cứu khoa học hoặc các vấn đề chồng chéo trong công tác quản lý nghiên cứu khoa học, khắc phục sự phân tán nguồn lực hiện nay.

Đại biểu cho rằng nội dung trong Nghị quyết Trung ương 6 có một số điểm nhấn rất quan trọng, điển hình như làm thế nào để khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu trong điều kiện hiện nay. Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi phải đáp ứng được yêu cầu này./.

(Thu Hà/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất