Thứ Năm, 26/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 13/11/2024 21:45'(GMT+7)

Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm" sẽ được tổ chức vào ngày 22/11/2024

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Sáng ngày 13/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm".

Căn cứ hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023-2025, năm 2024 Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã với chủ đề “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.

Phát biểu khai mạc họp báo, Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn khẳng định, chiến thắng Bình Giã đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam như một trong những dấu mốc quan trọng cho sự thất bại của Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", một bộ phận của chiến lược quân sự toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của đế quốc Mỹ áp dụng vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn phát biểu khai mạc họp báo.

Chiến thắng Bình Giã tạo thế và lực mới, góp phần đẩy nhanh sự phá sản Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Chiến thắng có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta. Đặc biệt là vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng. Thực sự là đòn quyết định, góp phần làm thất bại quốc sách "ấp chiến lược" vấn đề "xương sống" trong Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và chiến thuật "thiết xa vận", "trực thăng vận" của Mỹ - ngụy.

60 năm trôi qua nhưng giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Bình Giã tiếp tục trở thành những bài học kinh nghiệm vô giá, nhất là nghệ thuật chiến dịch, sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh cũng như các hoạt động tác chiến, có ảnh hưởng to lớn để các cơ quan, đơn vị quân đội vận dụng trong thực hành huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ hiện nay, đáp ứng với yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Phát biểu tại họp báo, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo nhằm khẳng định và làm sáng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền là nhân tố quyết định thắng lợi của Chiến thắng Bình Giã. Bên cạnh đó, cung cấp những cứ liệu mới, những luận điểm, luận cứ khoa học sâu sắc để làm rõ quá trình chuẩn bị, diễn biến chiến dịch, vai trò và sự phối hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch. Hội thảo góp phần đúc kết những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Kết quả của Hội thảo nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo tập trung vào 4 vấn đề lớn: Thứ nhất là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đối với việc chỉ đạo chuẩn bị và thực hiện Chiến dịch Bình Giã. Thứ hai quá trình chuẩn bị chiến dịch, sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với chiến trường miền Nam nói chung và Chiến dịch Bình Giã nói riêng. Thứ ba phân tích vai trò, sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng tham gia chiến dịch; mối quan hệ giữa các mặt quân sự, chính trị, binh vận, nghệ thuật tổ chức, thực hành chiến dịch. Thứ tư là đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử, nguyên nhân thắng lợi cũng như những hạn chế.

Các bài tham luận bảo đảm tính khách quan, khoa học, có đóng góp mới về mặt lý luận và thực tiễn; tập trung làm rõ các nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Bình Giã và đóng góp của chiến thắng đối với tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Đến nay, Ban tổ Tổ chức hội thảo đã nhận được 74 bài tham luận nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bám sát nội dung chủ đề, có cách nhìn nhận mới, phong phú, tin cậy và phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề có tính khoa học, thuyết phục, đảm bảo chất lượng tốt.

Nội dung tham luận phân tích sâu sắc hơn bối cảnh lịch sử, diễn biến, ý nghĩa cảu Chiến Bình Giã, thông qua đó tiếp tục khẳng định và làm nổi bật những đóng góp và vai trò to lớn của các lựng lượng tham gia chiến dịch làm nên Chiến thắng Bình Giã.

Theo Ban Tổ chức họp báo cho biết, Hội thảo có khoảng 450 đại biểu, phóng viên. Có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng với các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, là những người trực tiếp tham gia Chiến trường Bình Giã.

Hội thảo được tổ chức vào ngày 22/11/2024 tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với tổ chức hội thảo còn có các hoạt động thăm, tặng quà gia đình chính sách, dâng hương Tượng đài Chiến thắng Bình Giã và thắp hương Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Đức./.

DUY PHONG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất