(TG)- Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chiều 8/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác biển, đảo Việt Nam sau 10 năm thực hiện Luật Biển 2012, 40 năm thực hiện UNCLOS 1982 và những vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Liên hợp quốc ban hành Công ước về Luật Biển (UNCLOS 1982) và kỷ niệm 10 năm Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV đồng chủ trì Hội nghị.
Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trở thành nước đang phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Là quốc gia biển, sự phát triển của các vùng biển, đảo Việt Nam có vai trò không nhỏ trong việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Trong bối cảnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của Tổ quốc cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa. Không chỉ tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về biển, đảo Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia nói riêng mà còn nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của công tác biển, đảo trong chiến lược bảo vệ an ninh, chủ quyền, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết Hội thảo là dịp để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được của công tác biển, đảo nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo Việt Nam nói riêng sau 10 năm Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật Biển năm 1982 và 40 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Đồng thời thảo luận những giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội thảo diễn ra ngày 08/12, trước đúng 2 ngày kỷ niệm 40 năm ngày Liên hợp quốc ban hành Công ước về Luật Biển 1982 (10/12/1982-10/12/2022).
Theo đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới, Bộ Ngoại giao cho biết, qua hành trình 40 năm đồng hành cùng UNCLOS, với những nỗ lực đóng góp của mình, Việt Nam đã chuyển đi 1 thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế là: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Công ước, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích của mình được xác lập phù hợp the UNCLOS, đồng thời phấn đấu vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy, đề cao những giá trị tốt đẹp của UNLCOS 1982, hoàn thiện các chính sách, văn bản về biển của Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong áp dụng các quy định của UNCLOS để sử dụng và quản lý biển và đại dương một cách hiệu quả. Đồng thời, tích cực đóng góp sáng kiến tại các cơ chế, diễn đàn thuộc khuôn khổ của Liên hợp quốc và các diễn đàn về biển và đại dương. Điều này là cần thiết để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn” theo Nghị quyết số 36 khóa XII về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đề cập đến những hoạt động nghiên cứu về biển, đảo của Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam qua 10 năm thực hiện Luật Biển năm 2012, 40 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng chí Đỗ Huy Cường, Viện trưởng Viện địa chất và địa lý biển cho biết, Viện đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học khu vực Hoàng Sa và Trường; cung cấp các căn cứu khoa học phục vụ đề án xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam; xuất bản Atlas các bản đồ về điều kiện tự nhiên Biển Đông Việt Nam; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và khảo sát khu vực biển Đông…
Từ đó, đồng chí đề xuất, để phát huy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học khu vực biển và hải đảo của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2039, cần tập trung vào các nội dung: Tiếp tục nghiên cứu và bổ sung các căn cứ khoa học liên quan đến xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam theo các tiêu chuẩn và quy định của UNCLOS 1982; tiến hành khảo sát và thu thập các số liệu liên quan đến công tác phân vùng cấu trúc địa chất, tài nguyên khoáng sản, địa hình địa mạo các thực thể ngầm; đầu tư tàu nghiên cứu khoa học biển để phục vụ công tác điều tra, khảo sát và thu thập số liệu khoa học tổng hợp khu vực biển Đông của Việt Nam; phối hợp với các nước lớn và các nước trong khu vực trong công tác nghiên cứu khoa học, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo, trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội thực hiện một số nhiệm vụ, phương hướng như sau: Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể về công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo. Thứ hai, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền biển, đảo. Thứ ba, sáng tạo, linh hoạt sử dụng nhiều hình thức phối hợp công tác tuyên truyền phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền. Thứ tư, phát huy vai trò hoạt động của báo cáo viên, các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học học, đồng chí Lê Hải Bình nêu rõ, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan bổ sung những cơ sở lý luận, thực tiễn và những chất liệu cần thiết khác để đảm bảo tính chính xác, cũng như tăng cường sự hấp dẫn trong hoạt động tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo Việt Nam nói riêng sau 10 năm Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012 và 40 năm thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); từ đó định hướng hoạt động giai đoạn tới, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác tuyên truyền về biển, đảo của tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khu vực, các nước đòi hỏi yêu sách ở Biển Đông gia tăng các hoạt động trên thực địa, ngoại giao, pháp lý và tuyên truyền. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa sự ủng hộ, đồng thuận trong xã hội với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Để vượt qua những thách thức đó, phát huy thành công của Hội thảo, đồng chí Lê Hải Bình đề xuất một số nội dung sau:
Một là, tích cực đổi mới, đa dạng hóa phương thức thông tin, phát huy hiệu quả của các hình thức tuyên truyền và phương tiện truyền thông hiện đại, đặt công tác tuyên truyền về biển đảo xứng tầm và phù hợp với truyền thông hiện đại trong bối cảnh nền kinh tế số, xã hội số và chuyển đổi số. Qua đó, nâng cao rõ rệt nhận thức và tình cảm của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về biển, đảo Việt Nam; khơi dậy, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hai là, đẩy mạnh, đưa cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các ban bộ, ngành, địa phương đi vào chiều sâu, thực chất, trong đó xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trong công tác thông tin, tuyên truyền về biển, đảo; cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong công tác truyền thông về biển đảo.
Ba là, mở rộng hơn nữa lực lượng, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác tuyên truyền. Thường xuyên cập nhật kiến thức cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Việt Nam sở hữu trên 3260 km bờ biển với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển thực sự rộng lớn và có ý nghĩa quan trọng tới sự tồn vong và phát triển của đất nước.
Trước những tiềm năng to lớn của biển, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng là thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, đồng thời mở ra hướng “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.
Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia “mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng” yêu cầu đặt ra là sự thống nhất cao về nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, đi đôi với khơi dậy ý chí độc lập dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về biển đảo Việt Nam.
|
Thu Hằng