Thứ Tư, 9/10/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 29/11/2022 11:46'(GMT+7)

Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và 2 điểm cầu trực tuyến tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.

Dự Hội thảo tại Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; GS. TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước cùng gần 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; Thường trực một số tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương...

Đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng gần 100 đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng gần 150 đại biểu đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Thành ủy Cần Thơ, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Hội văn học, nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận; các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa; giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện thuộc khối văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh…

Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất diễn ra trong buổi sáng với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Phiên thứ hai “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” được tổ chức trong buổi chiều cùng ngày.

Điều hành phiên thứ nhất tại đầu cầu Hà Nội có GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Đoàn Chủ tọa phiên thứ nhất; đồng chí Trần Thành Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo; PGS. TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

GÓP PHẦN TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN VỀ NHỮNG CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN GIỮ GÌN, PHÁT HUY CÁC HỆ GIÁ TRỊ VIỆT NAM

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó việc “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” có vai trò đặc biệt quan trọng.

Quang cảnh phiên thảo luận thứ nhất tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cách đây đúng một năm, ngày 24/11/2022 tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2, Tổng Bí thư đã định hướng: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu trao đổi. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó; đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung lớn:

Một là, tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hai là, xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ba là, phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Bốn là, các nội dung, đặc điểm và những ảnh hưởng của các yếu tố (hoặc bối cảnh) quốc tế và quốc gia đến việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Năm là, chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Sáu là, đặc biệt, cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

“Tôi hy vọng rằng cuộc hội Hội thảo hôm nay sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, đồng thuận để có thể đề xuất cho Đảng và Nhà nước những cơ sở lý luận và thực tiễn giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu.

VĂN HÓA VIỆT NAM ĐÃ HUN ĐÚC NÊN TÂM HỒN, KHÍ PHÁCH, BẢN LĨNH VIỆT NAM

Tại phiên thảo luận buổi sáng, các tham luận và ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh, khẳng định và đồng tình với quan điểm “Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam”; nêu lên và trao đổi về những vấn đề cấp thiết, đặt ra đối với xây dựng, thực hiện các hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; phân tích những đóng góp từ truyền thống gia đình trong xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay…

GS. TS. Đinh Xuân Dũng phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo GS. TS. Đinh Xuân Dũng, văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, đồng thời nó tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu phát triển cho đến giữa thế kỷ 19. Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai, cái gì phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển, cái gì phải khắc phục và vượt qua. Chưa bao giờ như thời điểm lịch sử này, vấn đề trên được đặt ra một cách gay gắt, trực diện khi dân tộc đang ở trong thời kỳ quá độ, vượt qua lạc hậu và muôn vàn thử thách, vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

PGS. TSKH. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm KHXHVN nêu: Hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trong trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị, v.v. Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm. Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng,… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.

PGS. TSKH. Lương Đình Hải phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)

PGS. TSKH. Lương Đình Hải nhấn mạnh, hệ giá trị Việt Nam, đặc biệt là hệ giá trị con người, luôn tồn tại, tác động vào xã hội thông qua hoạt động của mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi chủ thể khác nhau trong toàn bộ hệ thống nhân lực và nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết là nguồn nhân lực có hàm lượng hệ giá trị con người và các hệ giá trị Việt Nam rất cao. Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.

GS. TS. Hồ Sĩ Quý khẳng định, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại...

GS. TS. Hồ Sĩ Quý phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng động, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiệm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ… xã hội”, GS. TS. Hồ Sĩ Quý nêu.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội tham gia Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng trong chương trình buổi sáng đã diễn ra Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương;  GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (từ điểm cầu Thừa Thiên Huế). Các đại biểu tham gia Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn đã trao đổi ý kiến xung quanh một số nội dung như: Ý nghĩa và sự cần thiết, cấp thiếp của việc xác định hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam trong thời kỳ mới; những chuẩn mực cần có của con người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng trong thời kỳ mới; những đặc trưng của gia đình truyền thống và hiện đại cần lưu giữ và phát huy; bàn về “bữa cơm gia đình” trong thời công nghiệp hóa; sự khác biệt giữa gia đình Việt Nam và gia đình ở các nền văn hóa khác.v.v.../.

Một tiết mục dân ca quan họ do Nghệ sĩ nhân dân Thúy Hường trình diễn trong chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo. (Ảnh: Thế Hoàng)

Thế Hoàng

Phiên Hội thảo thứ hai: Cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất