Thứ Bảy, 21/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 15/9/2016 20:7'(GMT+7)

Hội thảo tham vấn: Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Quang cảnh hội thảo (Ảnh DP)

Quang cảnh hội thảo (Ảnh DP)

Hội thảo tham vấn tổ chức nhằm lấy ý kiến các hội thành viên và chuyên gia trong nước về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tham dự hội thảo có hơn 90 đại biểu đến từ Hội Luật gia Việt Nam, đại diện của Hội luật gia các tỉnh, thành phố khu vục miền Bắc, các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ quan báo chí.

Các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như những bất cập trong quá trình triển khai hai luật này, đồng thời, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế và tương thích với các luật chuyên ngành khác cũng như hệ thống pháp luật chung của Việt Nam. Hai Dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội Khoá XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016) tới.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được Quốc hội Khoá XII thông qua ngày 18/6/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010. Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.

Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội Khoá XI thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006, thay thế cho Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998. Luật quy định về phòng ngừa, xử lý người có hành vi tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Sau nhiều năm thi hành, hai đạo luật này đã bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn bởi các chính sách pháp luật có liên quan mật thiết với hai luật này đã có nhiều thay đổi. Việc sửa đổi hai đạo luật quan trọng này sẽ giúp cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 2013, và đảm bảo sự thống nhất với các luật, bộ luật hiện hành.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được lắng nghe những nội dung cơ bản của hai Dự thảo Luật và các nội dung còn có những luồng ý kiến khác nhau. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm phạm vi điều chỉnh và các thiệt hại được bồi thường, các trường hợp Nhà nước không bồi thường, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại, cũng như sự tham gia của Hội Luật gia Việt Nam và các tổ chức xã hội trong việc tư vấn, giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường của Nhà nước. Đối với Luật Phòng, chống tham nhũng, các đại biểu đã phân tích và bình luận về phạm vi điều chỉnh, vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và nhấn mạnh sự tham gia của Hội Luật gia Việt Nam, các tổ chức xã hội trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Với những kinh nghiệm thực tiễn của mình, các đại biểu đã đóng góp ý kiến và đề xuất chỉnh sửa đối với từng Dự thảo. Những ý kiến này sẽ được thu thập và tổng hợp trong báo cáo kiến nghị của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam gửi tới cơ quan soạn thảo luật và các cơ quan có thẩm quyền khác, cũng như trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 10/2016.

Dự án USAID/Việt Nam GIG đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chung tay thực hiện một số cải cách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện tại Việt Nam./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất