Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 26/3/2011 13:39'(GMT+7)

Hôm nay, đọc lại "Thép đã tôi...”

Có một thế hệ những người cộng sản đích thực đã nguyện hiến dâng cả đời mình "cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời là sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người". Có một thế hệ người Việt Nam đã từng gối đầu giường cuốn "Thép đã tôi" và thuộc lòng những lời tự sự của Pavel (nhân vật chính của Thép đã tôi)...
Thời đại có thế nhiều đổi thay nhưng ngọn lửa nhiệt huyết của chàng thanh niên cộng sản thời chiến của Liên xô hẳn vẫn có nhiều ý nghĩa với lớp trẻ hôm nay. Đó là lý do để hôm nay (26/3), chúng ta đọc bài viết của Lê Đỗ Huy - ̀người có nhiều năm gắn bó với nước Nga và là cháu ngoại của nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai.


"Chỉ có tiến lên phía trước, chỉ có mặt trên tuyến đầu"

Nhiều thế hệ đã gọi Pavel Korchagin là “chính uỷ của thanh niên Xô viết”. Cùng với các đoàn viên Komsomol của những năm 30, anh như đã có mặt trên các “công trình xây dựng mới” huyền thoại như Magnitka, Dneproges... Còn trong những năm 40 khắc nghiệt (сороковые роковые), anh  dường như cùng với các Hồng quân đánh suốt từ phòng thủ Mạc Tư khoa đến công phá Berlin. Thậm chí một bộ phim “Thép đã tôi” đã ra đời vào năm 1942, cùng với việc lập lại chế độ chính uỷ trong quân đội Xô viết, sau khi có không ít chiến sĩ Hồng quân buông súng đầu hàng trước bão lửa phát xít đột ngột dội vào đất nước Xô viết.
Chính ủy Pavel Korchagin hẳn cũng đã “chiến đấu” trong “kháng Mỹ viện Triều”... Lời hiệu triệu của Ostrovsky “Chỉ có tiến lên phía trước, chỉ có mặt trên tuyến đầu” (Только вперед, только на линию огня) hẳn cũng đã góp phần thúc giục hàng trăm nghìn thanh niên Việt “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Pavel/Ostrovsky hẳn xứng đáng được thưởng “huân chương Chiến công”, “Huân chương Lao động hạng nhất” của nhân loại tiến bộ.

Tiểu thuyết trữ tình hay bản khai lý lịch?

Mẹ tôi, một người “vô thần”, mà tôi cho rằng không bước ra khỏi các trang sách của Hugo và Kafka, đã làm tôi hơi choáng khi bà nói: “Thép đã tôi... là kinh thánh của thế hệ mẹ”. Nhà thơ N. Tikhonov, từng là phóng viên mặt trận trong Chiến tranh vệ quốc, cũng cho rằng cuốn sách này “là Kinh thánh” (своего рода Евангелием) của các chiến sĩ trẻ.

Những cận vệ trẻ (молодогвардейцы) trên nhiều mặt trận của thế kỷ 20 cũng đã đọc đi đọc lại cuốn sách, để rèn giũa ý chí và quyết tâm.

Tác giả cuốn sách, Ostrovsky, đã sống một cuộc đời như huyền thoại. Và đời thực của nguyên mẫu  Pavel đã khiến cho cuốn sách trở nên thuyết phục hơn, lôi cuốn hơn, trong từng lời, từng chữ. Nhưng nhà văn Ostrovsky đã khẳng định “Thép đã tôi ...” là tiểu thuyết (roman), chứ không phải là tự truyện của chàng Komsomol Ostrovsky. Bởi vì các trải nghiệm, thậm chí sự dằn vặt của nguyên mẫu và các sự kiện đời thực đã được khái quát, đã thăng hoa về văn học, thành những triết lý, phục vụ cho việc khai thông một nền móng mới cho xúc cảm và trải nghiệm. “Thép đã tôi ...” đã thành công trong việc xây dựng “con người mới” của chiến tranh bảo vệ tổ quốc và sự nghiệp phát triển kinh tế theo chiều rộng.

Để làm yên lòng các nhà nghiên cứu văn học, ta sẽ định dạng “Thép đã tôi ...” là tiểu thuyết kể một chuyện có thật, nhưng tất cả người thật việc thật đều được đổi tên (Roman à clef).

Nhưng Trang điện tử Hướng dẫn văn học cho thiếu nhi của Nga hôm nay vẫn khẳng định rằng “Thép đã tôi ...” không phải là “Một anh hùng thời đại” khác. Rằng đó là tự truyện, là “bản khai lý lịch” của một, thậm chí vài thế hệ liên tiếp. Vì nó thể hiện rõ rệt một cách ít thấy “ý nghĩa của vận mệnh con người mới, cuộc sống anh hùng, và đạo đức của họ”.

d
Nhà văn, chiến sĩ cách mạng N. Ostrovsky

Nhiều tuyến nhân vật, chủ yếu và nổi bật là các nhân cách tích cực, là đại diện thực sự cho một thế hệ “Đội cận vệ thanh niên”. Tuyến Jukhrai – Pavel cho thấy sự kế thừa, một gạch nối giữa hai thế hệ người bôn sê vích, với Pavel là “kiểu mẫu” của “vệ binh đỏ trẻ tuổi”. Là đại diện cho thế hệ mình, Pavel giống những người cùng thời đại. Nhưng bút pháp nghệ thuật của tác giả đã khắc họa anh thật giàu nhân cách, thật sống động, với những phức tạp và nhiều khía cạnh trong bản tính của anh. Dưới cái nhìn lý trí hơn, Pavel không phải là người cộng sản khô khan, vuông thành sắc cạnh, cứng quèo (monolith).

Kinh điển Xô viết

Ostrovsky là một trong những người đầu tiên, và một trong số không nhiều tác giả đã xây dựng nhân cách nhân vật cộng sản một cách thuyết phục, đa diện hơn. Cuộc đời Pavel cho thấy cách mạng đã rèn rũa sinh lực của con người, đã thúc đẩy sự phát triển đến đỉnh cao của nhân cách. Ngược lại, có thể cảm nhận được rằng cuộc đời của Pavel và đồng đội là ngày hội của những cảm xúc, những tư duy, những trải nghiệm mới so với những thế hệ trước kỷ nguyên xô viết, và là một cuộc cách mạng thực sự.

Nhân cách của Pavel là kiểu mẫu người chân chính, không biết và không chấp nhận khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa lợi ích cá nhân và cuộc sống cộng đồng. Pavel có lúc quá cứng trong mắt chúng ta hôm nay, quá không khoan nhượng. Nhưng anh và thế hệ của mình “dĩ công vi thượng”, như đặc trưng của thời đại Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp.

Cuộc đời họ, mà những cái tên có thể kể là cố nhà văn thương binh Phạm Hồng Sơn (Ostrovsky Việt Nam), nhà văn thương binh Sơn Tùng, các liệt sĩ như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thuỳ Trâm... cũng như của Pavel, đã khẳng định chân lý và tính tin cậy trong lời nói và việc làm của họ.

Trang điện tử Hướng dẫn văn học cho thiếu nhi của Nga đã chỉ ra, cuộc đời anh hùng của những người chân chính ấy đã góp phần xây dựng đất nước hùng cường, đứng vững được trong tranh đấu vì độc lập tự do.

d
Thép liệu có “bọc đường”?

Quét tuyết vì không cam phận “bọc đường”?

Với một kẻ hay do dự (khác với Pavel) như người viết bài này, thì cảnh Pavel được Tonia vỗ tay “đánh nhau hay quá”, rồi quả đấm nặng quá của Jukhrai “đi theo hình vòng cung”, có thể làm lớp người non trẻ nghĩ rằng bạo lực là chìa khoá...

Thú thực, từng không chuộng lắm “Thép đã tôi…”, nhưng hồi nhỏ tôi đã rất ấn tượng với đoạn nàng Tonia mặc áo lông thú hỏi chàng lao công Pavel:  “Em tưởng anh ít nhất đã làm đến chính uỷ rồi”. Để rồi định mệnh đã khiến không ít bạn trai đồng lứa, và cả chính bản thân tôi, được trải nghiệm mình trong một hoàn cảnh gần như thế, sau khi ngôi sao Xô viết không còn sáng trên trời Mạc Tư Khoa ...Để rồi định mệnh hẳn đã khiến không ít thanh niên Nga đã trải nghiệm mình trong một hoàn cảnh gần như thế, sau khi ngôi sao Xô viết không còn sáng trên trời Mạc Tư Khoa ...

Người đọc nay hẳn vẫn tự hỏi, vì sao bài ca “về đây với đường tàu” những năm ấy lại nhất thiết phải được tiến hành vào mùa đông khắc nghiệt, và Pavel lại được giao phó việc quét tuyết, mà không phải là một việc khác, ngõ hầu tận dụng tốt hơn bản lĩnh của một “lão thành cách mạng” như thế. Thấp thoáng trong đám lửa sưởi những người cùng Pavel kéo “con thuyền trên sông Volga” mới – là cặp đường ray, có không hình ảnh “thành xây xương lính hào đào máu dân” (строительство на костях) dưới triều Piert Đại đế, làm nên thành Peterburg hùng vĩ?

Hãy thử lý giải bằng tuyên bố của Stalin sau hai năm đầu cực kỳ gian khổ của kế hoạch năm năm đầu tiên. Năm 1931, Stalin tuyên bố: “Nếu giảm nhịp độ làm việc, chúng ta sẽ tụt hậu. Những kẻ tụt hậu sẽ bị kẻ khác giẫm đạp. Chúng ta không muốn bị kẻ khác chà đạp ... Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến từ 50-100 năm. Chúng ta phải lướt qua khoảng cách này trong 10 năm. Hoặc là chúng ta làm được điều đó, hoặc chúng ta bị tiêu diệt”.

Nhưng sau đó, nếu quả là ai đó đã muốn lặp lại một thắng lợi dễ dàng bằng những đường lối cũ và chánh sách đãi ngộ “cào bằng”, thì “những con số phát triển hoành tráng” tằng tịu với với chất lượng thấp của cuộc sống “xếp hàng cả ngày” đã không thể sinh sản ra “con cháu” của Pavel.

Hôm nay đối với thế hệ trẻ Nga, Pavel Korchagin đã không còn là anh hùng , nhưng các phẩm chất, sự quả cảm và “sức mạnh tinh thần” sẽ luôn dạy cách sống và tranh đấu, để chiến thắng trong mọi hoàn cảnh, không chỉ trong cách mạng và chiến tranh.

Hậu duệ của nhà văn Ostrovsky (Pavel) có còn ai?

Theo thống kê dẫn bởi giám đốc O. Matvienko của Bảo tàng N. Ostrovsky , những năm Xô viết, người đến thăm bảo tàng này thường hỏi hậu duệ của nhà văn Ostrovsky (Pavel) có còn ai.
Còn hôm nay, câu hỏi thường vang lên là “Ông ấy (Ostrovsky) từng kiếm được bao nhiêu tiền?”

“Thép đã tôi ...” một thiên anh hùng ca về “Thạch Sanh của thế kỷ 20” dường như chưa khắc hoạ thật rõ về những Lý Thông, không cảnh báo về những Đường Tăng với “vòng kim cô” đời mới, cho dù các ghi chép và thư từ của Ostrovsky/Pavel cho thấy ông đã đánh nhau với “những hiện tượng tiêu cực trong đời thường” đến khi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh.

“Chân lý từng trở thành sở hữu của đám đông, sẽ nhanh chóng bị làm biến dạng đến mức không thể nhận ra”. Georges-Louis Buffon, nhà văn, nhà toán học Pháp từng cảnh báo.
 
Kéo dài các phương pháp “cộng sản thời chiến”, lạm dụng quá mức tinh thần “thắt lưng buộc bụng để xây dựng”, lại đập vào mắt dân những cảnh phè phỡn của những “tham quan ô lại.. là những gì mà  “Thép đã tôi ...”? chưa đề cập tới...
 
Nhưng dẫu sao,  đến hôm nay, những gì là cốt  lõi nhất của tinh thần "Thép đã tôi" vẫn còn nguyên giá trị với những người trẻ muốn hiến dâng những gì tốt đẹp nhất của mình cho nhân loại.

Theo Lê Đỗ Huy/Bee.net
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất