Trong tổng số 200 triệu cử tri Mỹ đủ tư cách, ước tính có khoảng 120 triệu người sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống, toàn bộ số nghị sỹ Hạ viện, 1/3 số nghị sỹ Thượng viện và thống đốc các bang.
Theo các cuộc điều tra dư luận mới nhất, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton tiếp tục chiếm ưu thế trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa với khoảng cách từ 2-5%.
Theo tính toán của tờ Washington Post và kênh truyền hình CNN, cựu Ngoại trưởng Clinton được cho là có chắc chắn từ 268 đến 275 phiếu đại cử tri và có khả năng lớn để trở thành Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ.
Trước đó, hai ngày trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 - sự kiện chính trị quan trọng nhất trong bốn năm của nước Mỹ, tính tới hết ngày 6/11 đã có hơn 35 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm.
Giới phân tích đánh giá cán cân hiện vẫn tạm nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trước đối thủ Donald Trump.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, việc gần 30% số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu được coi là một lợi thế dành cho bà Clinton vì bầu cử sớm diễn ra vào thời điểm trước khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố mở lại vụ điều tra và tỷ lệ ứng cử viên Dân chủ còn rất cao.
Giới phân tích nhận định cuộc bầu cử năm nay sẽ có 17 bang với tổng cộng 200 phiếu đại cử tri chắc chắn bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ gồm California, Connecticut, Delaware, thủ đô Washington D.C, Hawaii, Illinois, Maine, Massachusetts, Maryland, Minnesota, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont và Washington.
Năm bang có xu thế bỏ phiếu cho Dân chủ gồm Colorado, Michigan, Nevada, Wisconsin và Virginia với tổng cộng 54 phiếu đại cử tri.
Trong khi đó, có 18 bang với tổng cộng 144 phiếu đại cử tri sẽ chắc chắn bỏ phiếu ứng cử viên Cộng hòa là Alabama, Arkansas, Idaho, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, Bắc Dakota, Oklahoma, Nam Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, West Virginia và Wyoming.
Năm bang có xu thế bỏ phiếu cho Cộng hòa gồm Alaska, Arizona, Georgia, Iowa và Missouri với tổng cộng 46 phiếu đại cử tri.
Như vậy, mọi chú ý sẽ đổ dồn vào hoạt động bầu cử tại các bang còn dao động như Florida, Maine tại khu vực bầu cử số 2, Nebraska tại khu vực bầu cử số 2, New Hampshire, Bắc Carolina, Ohio, Utah và Pennsylvania với tổng cộng 94 phiếu đại cử tri.
Trước khi bước vào “trận đánh lớn,” ứng cử viên Cộng hòa dường như đang đối mặt với nhiều áp lực hơn. Nhiệm vụ của tỷ phú Trump là vừa phải giữ bằng được chiến thắng tại các bang ủng hộ truyền thống, vừa phải đánh bại bà Clinton tại các bang chiến địa có số phiếu đại cử tri cao như Florida (29 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu) và Ohio (18 phiếu). Chỉ cần lỡ nhịp tại 1 trong số 3 bang này, cánh cửa bước vào Nhà Trắng có thể sẽ khép lại đối với ông.
Cũng chính vì tầm quan trọng của các bang chiến địa, cả hai ứng cử viên đều nỗ lực tiến hành vận động tới tận những phút cuối cùng tại Pennsylvania và Florida với hy vọng thuyết phục lá phiếu của các cử tri còn do dự
Tuy vậy, khoảng cách giữa bà Clinton và ông Trump không thực sự lớn. Các cuộc điều tra từng bang cho thấy tại những bang do dự quan trọng như Florida, Pennsylvania, North Carolina và Nevada, khoảng cách giữa hai ứng viên hầu hết dưới 3%. Điều này đồng nghĩa với việc kết quả bầu cử là rất khó đoán và đây sẽ là những bang tâm điểm chú ý của ngày bầu cử 8/11.
Các điểm bầu cử sẽ đóng cửa vào 24 giờ (theo giờ miền Đông nước Mỹ) và giới truyền thông hy vọng có thể dự đoán kết quả vào khoảng 22 giờ cùng ngày sau khi các bang quan trọng hoàn tất quá trình bỏ phiếu. Tuy nhiên, việc tuyên bố người thắng cuộc vẫn có thể phải đợi đến ngày 9/11 nếu như hai ứng cử viên có kết quả quá sát nhau và thậm chí phải kiểm phiếu lại ở một số nơi./.
KT tổng hợp