Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 2/7/2019 13:27'(GMT+7)

Hơn 100 quốc gia tham dự Diễn đàn giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn do UNESCO phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ủy Ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức, với sự đồng hỗ trợ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản thông qua Quỹ tín thác Nhật Bản UNESCO dành cho chương trình hành động toàn cầu giáo dục vì sự phát triển bền vững và Trung tâm Giáo dục vì Sự hiểu biết quốc tế châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn trình bày những kết quả nghiên cứu của UNESCO để trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để tích hợp ba khía cạnh nhận thức, cảm xúc - xã hội, hành xử trong học tập, giảng dạy vì một xã hội hòa bình, bền vững và giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học và trung học. Cụ thể, diễn đàn sẽ tìm hiểu sâu về những kết quả chính của nghiên cứu nhằm nắm bắt xu thế, xác định khoảng trống và những thách thức lớn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Đồng thời, diễn đàn chia sẻ những phương thức tiếp cận tiềm năng, đổi mới để lấp đầy những khoảng trống và khai thác triệt để tiềm năng của các khía cạnh học tập nhằm hỗ trợ thúc đẩy công dân toàn cầu và phát triển bền vững; củng cố hợp tác và mở rộng các cơ hội kết nối của các đại biểu đang công tác ở những lĩnh vực này.

Trong khuôn khổ của diễn đàn sẽ diễn ra bảy phiên họp toàn thể, bốn phiên thảo luận nhóm. Các phiên họp toàn thể và thảo luận nhóm sẽ có tính tương tác cao nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng các cơ hội kết nối mạng lưới chung quanh các vấn đề nêu trên, đồng thời thảo luận và thúc đẩy đối thoại cũng như chia sẻ thông tin và kiến thức thực tiễn.

Đại biểu tham gia diễn đàn có cơ hội chia sẻ những phương thức tiếp cận sáng tạo, có tính khả thi để giải quyết những tồn tại và khai thác triệt để tiềm năng từ ba phạm vi của lĩnh vực học tập nhằm đạt mục tiêu giáo dục của Chương trình Nghị sự 2030.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có bài phát biểu và cho biết, sau một thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc từ năm 2005 đến 2014, ngày nay, giáo dục vì sự phát triển bền vững là trung tâm của Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững. Những gì chúng ta đã làm được là đáng kể, tuy nhiên, nó vẫn chỉ là khởi đầu nhằm tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và tầm nhìn dài hơn.

Trong giai đoạn tiếp theo, mỗi học sinh cần phải được học về sự phát triển bền vững từ các giáo viên được đào tạo cơ bản, thông qua các chương trình giáo dục và nguồn lực đầu tư phù hợp. Tất nhiên, chúng ta không thể nhanh chóng đưa ra các giải pháp tối ưu. Nhưng, việc đưa ra các cam kết và mục tiêu đúng đắn sẽ giúp chúng ta đi được đúng hướng.

Trong 50 năm qua, dân số thế giới đã tăng hơn gấp đôi. Vậy, làm thế nào để phát triển kinh tế-xã hội có thể thỏa mãn nhu cầu của chúng ta mà không làm tổn hại đến các thế hệ tương lai? Đó là câu hỏi mà tất cả chúng ta cần phải trả lời. Hướng tới sự phát triển bền vững không thể đạt được chỉ bằng các thỏa thuận chính trị, giải pháp tài chính hoặc công nghệ. Những gì chúng ta cần làm là thay đổi các giá trị và hành vi của cộng đồng, giúp họ lựa chọn một cách sống bền vững hơn. Và giáo dục chính là giải pháp, là con đường dẫn đến sự thay đổi. Giáo dục để bảo đảm người dân biết đâu là lựa chọn đúng đắn, đồng thời giúp họ có thông tin và kỹ năng để làm theo lựa chọn đúng đắn đó.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đưa ra một vài thí dụ về giáo dục tại Việt Nam. Theo đó, kể từ năm 2013, Việt Nam đang tiến hành đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Một trong những cột mốc quan trọng là chương trình giáo dục phổ thông quốc gia được phê duyệt năm 2018. Chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực của người học, hướng tới việc giúp cho học sinh có được những kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21. Mục tiêu không chỉ là tích hợp phát triển bền vững vào giáo dục mà còn huy động giáo dục như một phương tiện thực hiện toàn diện cho tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi mà chúng tôi phải đối mặt trong việc triển khai chương trình này. Đó là: Làm thế nào giáo dục tiếp cận và phục vụ tất cả mọi người? Làm thế nào để cập nhật chương trình giảng dạy và các tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai? Làm thế nào để biến việc học tập thành một hành trình suốt đời? Làm thế nào để hỗ trợ sáng tạo và đổi mới? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên... Những câu hỏi này không chỉ dành cho Việt Nam mà còn cho các quốc gia khác.

“Trong diễn đàn này, những việc chúng ta đang làm trong giáo dục vì sự phát triển bền vững sẽ là một câu trả lời cho những vấn đề trên. Cụ thể, dựa trên hàng nghìn giờ kinh nghiệm trực tiếp triển khai, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong giáo dục, chúng ta sẽ cùng nhau xác định các hành động cần thiết để biến các mục tiêu của phát triển bền vững thành hiện thực...”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ./.

Quý Tùng (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất