Sáng nay, 5/9, khắp mọi miền Tổ quốc, học sinh nô nức đến trường dự lễ khai giảng. Hơn 22 triệu học sinh trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2023-2024.
Đây là năm học thứ 4 ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục ở bậc phổ thông và đại học. Chương trình, sách giáo khoa
mới đã “phủ sóng” từ lớp 1 đến lớp 4 ở bậc tiểu học, từ lớp 6 đến lớp 8 ở
bậc trung học cơ sở, lớp 10 và lớp 11 ở bậc trung học phổ thông. Là năm
chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở lớp cuối cùng của cả ba
cấp học, với nhiều yêu cầu đổi mới trong tuyển sinh đầu cấp, tuyển sinh
đại học, đây là năm học đặc biệt quan trọng với ngành giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong năm
học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm thực hiện đổi mới chương
trình giáo dục ở bậc mầm non. giáo dục thường xuyên cũng sẽ có nhiều đổi
mới. “Năm học 2023-2024 là năm học hứa hẹn nhiều đổi mới”, Bộ trưởng
cho hay.
Với nhiệm vụ, vai trò quan trọng và những kế hoạch đổi mới, toàn
ngành giáo dục sẽ tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu
quả các mục tiêu năm học 2023-2024.
Trong số đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là hoàn thiện thể chế, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, ngành tiếp
tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát
triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành; rà soát,
sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các
vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo
đồng thời tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục.
Với giáo dục phổ thông, ngành đặt nhiệm vụ thực hiện hiệu quả chương
trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ cập giáo
dục cho trẻ em 5 tuổi; triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ
thông 2018; thực hiện chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục
thường xuyên cấp bảo đảm đảm chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh học tập
thường xuyên, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Năm học này, ngành cũng sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp tốt
nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018,
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án và chuẩn bị tốt các điều kiện để
triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Về vấn đề giáo viên, ngành đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng, chuẩn
hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Các nội dung cụ thể như rà soát nhân lực để bổ sung biên chế giáo viên,
khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nghiên cứu xây dựng
chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều
kiện để giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh mục tiêu đảm bảo số lượng,
ngành cũng đặt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ.
Để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, ngành đặt nhiệm vụ thu hút
và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó ưu tiên
đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non,
phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bảo đảm thiết bị
dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng vấn đề tăng cường
công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức, quốc phòng an ninh; giáo
dục thể chất cho học sinh và đảm bảo an toàn trường học.
Với giáo dục đại học, ngành đặt nhiệm vụ quy hoạch, phát triển mạng
lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Cụ thể
là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở
giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt nhiệm vụ tăng cường công
tác thanh kiểm tra, đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, tăng cường
công tác truyền thông giáo dục./.
Vietnam+