Hiệp hội thông tin điện tử quốc tế vừa công bố báo cáo cho hay
hiện nay trên thế giới có hơn 3 tỷ người hàng ngày sử dụng
đều đặn dịch vụ Internet, và công nghệ thông tin này đang tiếp
tục phát triển rất mạnh tại hầu hết các quốc gia.
Theo tổ chức trên, Đan Mạch và Hàn Quốc là hai quốc gia đứng
đầu về tỷ lệ người sử dụng Internet, trong khi đó, Belarus dẫn
đầu các nước thuộc Liên Xô trước đây về tỷ lệ dân chúng sử
dụng dịch vụ liên lạc hiện đại này, và đứng thứ 38 toàn thế
giới, trong khi Nga đứng thứ 43.
Về tổng thể, trong năm 2014, số người sử dụng Internet trên toàn
thế giới tăng 6,6% so với năm trước đó, và trong 5 năm qua, số
người sử dụng phương tiện liên lạc này tại các nước đang phát
triển đã tăng gấp đôi.
Giới chuyên gia truyền thông dự đoán rằng đến cuối năm nay,
khoảng 44% số hộ gia đình trên toàn thế giới có kết nối
Internet, tăng 4% so với năm ngoái, và 14% so với bốn năm trước
đó.
Điều đáng chú ý là trong thập kỷ vừa qua, xu hướng các trường
học phổ thông kết nối Internet đã tăng khá mạnh trên phạm vi
toàn cầu.
Hiệp hội thông tin điện tử quốc tế cũng đã chỉ ra những mặt
hạn chế của quá trình phát triển Internet, chẳng hạn, hiện có
tới 4,3 tỷ người chưa hề biết gì về phương tiện liên lạc này,
và đương nhiên cũng chưa một lần “nhấp chuột” để liên lạc với
người khác qua hệ thống Internet, hoặc sử dụng các tiện ích
khác của Internet.
Điều đáng nói là 90% số người "mù Internet” này đang sống tại
các nước đang phát triển, và 2,5 tỷ người trong số đó là công
dân của 42 quốc gia có trình độ phát triển thấp nhất thế
giới.
Vì vậy, các chuyên gia thông tin điện tử quốc tế cho rằng để
cải thiện tình trạng đó, trước hết cần phải hướng tới lớp
người nghèo và các nước kém phát triển.
So với Internet, số thuê bao điện thoại di động trên toàn thế
giới nhiều hơn hẳn, với khoảng 7 tỷ thuê bao, tương đương dân số
toàn cầu, song điều đó không có nghĩa là mỗi người trên thế
giới đều đang sử dụng một thuê bao điện thoại di động, bởi
không ít khách hàng đang sử dụng một số thuê bao khác nhau.
Về sóng điện thoại di động, tổ chức trên cho biết hiện có 450
triệu người trên thế giới đang sống tại những khu vực nằm
ngoài vùng phủ sóng của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại
di động, hoặc có sóng nhưng rất chập chờn, và điều đó, đương
nhiên cần khắc phục sớm vì quyền lợi chính đáng của mỗi con
người./.
(TTXVN)