Theo Phó trưởng Ban thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Vương Mạnh Chữ, số nợ đọng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nêu trên là của các tập đoàn lớn, của các doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp ngừng hoạt động và rút giấy phép kinh doanh… Một số tổng công ty còn số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lớn như: Tập đoàn Vinashin là hơn 340 tỷ đồng, tập đoàn Vinalines là 16,7 tỷ đồng…
Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có tới 278 doanh nghiệp bị cơ quan bảo hiểm xã hội khởi kiện và bị xét xử phải đóng tổng số tiền nợ là196 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tiến hành đóng nộp.
Đây là thông tin tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 14/6.
Theo ông Vương Mạnh Chữ, do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội làm cho nợ bảo hiểm xã hội tăng nhanh.
Đặc biệt, trong khi quy định về xử phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội còn hạn chế, mức xử phạt hành chính ít, lãi suất chậm đóng thấp hơn lãi suất liên ngân hàng nên một số doanh nghiệp không tuân thủ luật pháp mà lấy tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để làm vốn kinh doanh.
Do đó, ông Vương Mạnh Chữ cho rằng để tăng tính răn đe đối với các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần tăng mức xử phạt hành chính, tăng lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội và đưa hành vi cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào luật hình sự.
Mặc dù việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng nhiều. Tuy nhiên, các lĩnh khác của ngành bảo hiểm xã hội cũng có những tín hiệu khả quan.
Phó Chánh văn phòng Dương Văn Hào cho biết, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng phát triển, tiếp tục tăng thêm 2,8 triệu người so với năm 2012. Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 5 tháng đầu năm tăng hơn 24.000 người (tương ứng 19,8%).
Việc thực hiện chác chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được đánh giá ngày càng tốt hơn. Số lượng người được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng 23,1% so với năm 2012; trong đó số người được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng thêm 39%.
Trong 6 tháng cuối năm 2013, để giảm bớt tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát các đơn vị nợ và phân loại, đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ, hàng tháng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh có báo cáo cụ thể để lên phương án tiến hành thu.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020; tập trung xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng chi trả chế độ bảo hiểm; tiếp tục phát triển thêm đối tượng./.
Hồng Kiều (Vietnam+)