Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội
khóa XIII, chiều 13/6, ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của
Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, các đại biểu
tiến hành chất vấn Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị
Hải Chuyền.
Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng tập trung vào các nhóm vấn đề: Giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho laođộng ở nông thôn; Biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, việc xử lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trái phép, hướng giải quyết vấn đề người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài; Trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ người có công..
Triển khai các biện pháp gắn công tác đào tạo nghề đối với thị trường lao động
Đánh giá về công tác dạy nghề trong thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, Vấn đề dạy nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng là một trong những mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta. Công tác dạy nghề đã được quan tâm, đầu tư từ trước, tuy nhiên sau khi có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, lĩnh vực dạy nghề đã được tăng cường hơn. Hiện đã có trên 1.000 cơ sở dạy nghề, trong đó, có 800 cơ sở dạy nghề công lập.
Đối với vấn đề hiện nay số lượng trường nghề nhiều nhưng số học sinh học nghề còn ít, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá nguyên nhân là do tư tưởng của người dân về học nghề vẫn chưa được thông suốt. Người dân thường muốn thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Đại học chứ chưa chú trọng đến việc vào học tại các trường dạy nghề, vì vậy tỷ lệ học sinh vào các trường dạy nghề chưa nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới thành lập với nhiều ngành nghề mới trong khi các trường dạy nghề vẫn đang đào tạo những nghề thông thường. Khẳng định trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với việc đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ sơ kết 3 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời chỉ đạo hệ thống ngành dọc trực thuộc Bộ gắn công tác đào tạo nghề đối với thị trường lao động. Theo Bộ trưởng, các cơ sở dạy nghề cũng cần hình thành bộ phận tư vấn, tiếp thị nhằm nắm được nhu cầu thị trường, để có thể dạy nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) về việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Nước ta có hơn 70% người dân sống ở nông thôn, phần đông chưa qua đào tạo, vẫn làm việc bằng kinh nghiệm sẵn có. Để khai thác cơ sở vật chất sẵn có rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp người lao động có kỹ năng nghề nhất định. Hiện nay, ở nông thôn đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ, người lao động cần được đào tạo để làm các sản phẩm dịch vụ đó. Bên cạnh đó, vùng nông thôn cũng có rất nhiều làng nghề. Đáp ứng yêu cầu đào tạo đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Để đánh giá việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 3 Hội nghị tổng kết ở 3 vùng và trong tháng 6/2013 sẽ tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định nhằm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện.
Bảo đảm quản lý tốt người lao động làm việc tại nước ngoài
Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Kiều Vân (Quảng Trị) về trách nhiệm quản lý người Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện Việt Nam có 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong khi chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước còn phần đông là do các cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng hợp đồng, nếu có vấn đề thì doanh nghiệp đó phải tháo gỡ vấn đề với doanh nghiệp nước ngoài đã ký hợp đồng. Nếu không thực hiện được, doanh nghiệp có trách nhiệm phải báo với Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cùng phối hợp xem xét, giải quyết. Vì vậy những năm gần đây, cơ quan quản lý đã can thiệp và cơ bản giải quyết được tình trạng người lao động Việt Nam không được thực hiện đầy đủ hợp đồng hoặc doanh nghiệp nước ngoài có việc làm không đúng. Khẳng định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động và doanh nghiệp nước sở tại để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam, tuy nhiên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị người lao động khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài cần xem xét, tìm hiểu về doanh nghiệp xuất khẩu lao động và những quyền lợi của mình khi đi làm việc ở nước ngoài.
Về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 62 huyện nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức cho 12.000 lao động đi học ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của các nước để chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động. Đến nay đã có hơn 10.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay có một số người lao động về trước thời hạn. Nguyên nhân của tình trạng này là do ý thức và sự chịu đựng của các lao động ở huyện nghèo đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa chưa được tốt. Khi đi khảo sát tại Malaysia, nhiều chủ lao động phàn nàn về ý thức kỷ luật của người lao động ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lựa chọn số lao động ở các huyện nghèo, nếu chưa đủ điều kiện cũng không thể đi xuất khẩu lao động được. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ điều chỉnh những bất hợp lý trong việc thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.
Chia sẻ với những khó khăn mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải đối mặt và giải quyết tình hình lao động bất hợp pháp tại các tỉnh vùng biên, song, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) không khỏi băn khoăn trước thực trạng lao động bất hợp pháp qua biên giới phía Bắc tiếp tục gia tăng với số lượng lớn, chủ yếu là đồng bào ở vùng biên giới nghèo, họ gặp rất nhiều rủi ro, bất lợi do thiếu hành lang pháp lý bảo vệ. Đại biểu cho rằng trong điều kiện thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm từ 5 – 6 tháng/năm, cử tri cần một chính sách thực sự hiệu quả hơn những gì đã có. Bộ có tính tới chính sách đột phá, đặc thù cho khu vực này không, việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong giải quyết vấn đề này như thế nào? – đại biểu chất vấn. Đây cũng là nội dung quan tâm của đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An).
Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết vấn đề lao động bất hợp pháp đã diễn ra từ nhiều năm nay và gần đây vẫn gia tăng, cho dù có tìm được việc làm nhưng thu nhập của người lao động là rất thấp, quyền lợi không được bảo đảm. Để bảo đảm đời sống và tín mạng của người lao động, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải phối hợp giữa hai nước, chính quyền hai địa phương có quy định để quản lý số lao động này, làm sao họ vẫn đến được với nhau do yêu cầu công việc nhưng cuộc sống của họ phải bảo đảm, không bị ảnh hưởng. Tới đây Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan họp, đề xuất hướng đi tốt nhất để quản lý các lao động này cho tốt hơn – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.
Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng
Nhận trách nhiệm của Bộ trong chậm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trước chất vấn của đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định ngay từ khi có Nghị định 31/2013/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chuẩn bị nội dung của Thông tư hướng dẫn và đang xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Bộ cũng đã tiến hành tập huấn, hướng dẫn đối với cán bộ địa phương thực hiện Pháp lệnh, giải quyết các tồn đọng. Tuy nhiên, do Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng và nhiều chính sách mới, phải lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành dẫn đến chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn. Bộ sẽ rút kinh nhiệm trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về tiến độ xét duyệt công nhận cho người tham gia kháng chiến và con cháu của họ được hưởng chính sách ưu đãi người có công theo mục tiêu đến năm 2015, 100% đối tượng được thụ hưởng, Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng hoàn thành trách nhiệm này. Theo Bộ trưởng, để làm tốt việc này, mới đây, Bộ đã làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam với mong muốn các tổ chức cùng tham gia với Bộ, tìm hướng tích cực nhất để giải quyết số hồ sơ tồn đọng. Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng sớm được thụ hưởng chính sách, nhiều khâu thủ tục đã được đơn giản hóa và giảm bớt, người dân không phải mất nhiều thời gian và công sức đi lại. Nếu tích cực chỉ đạo và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến năm 2015 cơ bản sẽ giải quyết xong chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến và người thân của họ.
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về tình trạng thương bệnh binh giả, làm giả hồ sơ nạn nhân chất độc da cam để trục lợi, gây tổn thất cho ngân sách và bức xúc trong xã hội, Bộ trưởng cho biết trên cơ sở thông tin, kiến nghị của cử tri cả nước, Bộ đã tiến hành các đợt thanh tra việc thực hiện chính sách. Qua thanh tra đã phát hiện một bộ phận liên quan đến việc làm hồ sơ thương bệnh binh giả tại Quân khu I và những sai phạm về hồ sơ bệnh án để hưởng chính sách nạn nhân chất độc da cam, các hồ sơ này đã được chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ và khởi tố. Theo báo cáo, đến nay các tỉnh đã thanh tra trên 1.400 cuộc và thu hàng nghìn tỷ đồng, ngành Lao động cũng đã thu lại gần 600 tỷ đồng sau thanh tra./.
Thanh Vân - Phúc Hằng (TTXVN)