Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã có nhiều chính sách về đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả Hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương nỗ lực chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cụ thể.
Tính đến hết năm 2016, toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc có 908 hợp tác xã hoạt động tốt và khá, chiếm tỷ lệ 38%, cao hơn bình quân cả nước. Đã có nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả ở những vùng sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp, trình độ cán bộ quản lý tương đối tốt và đặc biệt có sự liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Đây chính là những mô hình thiết thực về hợp tác xã kiểu mới để đánh giá, tổng kết nhân rộng.
Báo cáo sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 vùng trung du và miền núi phía Bắc đã nêu rõ sau 4 năm thực hiện Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng về số lượng hợp tác xã nông nghiệp của vùng không nhiều, song chất lượng hoạt động thì được nâng lên rõ rệt. Đây là xu thế chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về hợp tác xã được tổ chức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều hợp tác xã hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như vùng sản xuất chè, cây ăn quả, dược liệu, rau hoa, lúa đặc sản, chăn nuôi, thủy sản (cá nước lạnh) như ở các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang và Quảng Ninh.
Ở các tỉnh này, các hợp tác xã đã có cơ hội tham gia vào các chương trình sản xuất hàng hóa của tỉnh, được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết hợp tác xã.
Một số mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tiêu biểu như Hợp tác xã chè Tân Cương (Thái Nguyên); Hợp tác xã Mai Anh (Lào Cai); Hợp tác xã chăn nuôi Trường Thành (Bắc Giang).
Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bên cạnh những kết quả đã đạt được, hợp tác xã nông nghiệp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, chỉ có 15% số hộ nông dân trong vùng tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp.
Một số hợp tác xã đã tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 nhưng còn hình thức, chưa mang lại lợi ích rõ rệt cho thành viên. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực chuyên ngành chậm được tổng kết và nhân ra diện rộng.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang còn gặp rất nhiều khó khăn, song thực hiện Luật Hợp tác xã 2012 và dựa vào điều kiện thực tế tại địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo phát triển mạnh các tổ hợp tác, tổ sản xuất với các hộ cùng chung lĩnh vực, sở thích tham gia.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giao đất xây dựng trụ sở Hợp tác xã; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong thời gian 36 tháng.
Đến nay, Hà Giang đã chuyển đổi được 179/196 Hợp tác xã, về cơ bản các Hợp tác xã hoạt động không hiệu quả đã được giải thể. Số Hợp tác xã được thành lập mới có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để nghe lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm mới, những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện và những định hướng lớn cho sự phát triển các loại hình Hợp tác xã ngành nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác xã là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng là vấn đề khó, chính vì vậy từ nay đến năm 2020, Ủy ban Nhân dân 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc cần giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động hoặc kém hiệu quả thực hiện cơ bản xong trong năm 2018.
Bên cạnh việc tạo mọi biện pháp để nâng cao hiệu quả của các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, Thứ trưởng yêu cầu mỗi tỉnh trong khu vực cần lựa chọn một số hợp tác xã để nghiên cứu xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới. Đặc biệt, các địa phương cần tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và liên kết với Hợp tác xã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Các tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới phải tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp./.
Theo TTXVN