Thứ Năm, 21/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Sáu, 8/12/2023 8:50'(GMT+7)

Hợp tác kinh tế, thương mại - điểm sáng trong quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung"

Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung được duy trì thường niên.

Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung được duy trì thường niên.

Với lợi thế về đường biên chung giới trên bộ, trên biển và đường thủy, trong đó có chiều dài biên giới đường bộ gần 400km, đi qua địa phận 7 tỉnh phía Bắc của Việt Nam, mang lại cho cả Việt Nam và Trung Quốc những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 4 trên thế giới xét theo tiêu chí quốc gia.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt hơn 155 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Namvới kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết thị trường chủ lực đều giảm), chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Bất chấp bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Kể từ đó, trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.

Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tới nay, các hoạt động về kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ giúp tần suất thông quan tốt hơn, góp phần thúc đẩy thương mại biên giới trở nên tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc.

Trong vòng 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong 9 tháng năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam. Theo các chuyên gia, điều này xuất phát từ một lợi thế đặc thù như: 1) Vị trí tiếp giáp “núi liền núi, sông liền sông” tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu thô và dây chuyền sản xuất; 2) Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc; 3) Mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường; 4) Việt Nam sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh; 5) Cùng với việc Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã đưa ra các ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã tạo không khí, môi trường thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên; 6) Hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục ổn định với hiệu suất thông quan cao. Đặc biệt, hàng nông sản Việt Nam có xu hướng tăng mạnh ở một thị trường đông dân nhất thế giới...

Nhìn tổng thể, năm 2023 đã ghi dấu những nỗ lực thúc đẩy thương mại biên giới của hai bên với việc khởi công dự án cửa khẩu thông minh Hữu nghị (Việt Nam) - Hữu nghị quan (Trung Quốc). Đây là một trong những nội dung của Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc. Dự kiến dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 12/2024, hướng tới đạt mục tiêu thông quan hàng hóa qua hai cửa khẩu 24 giờ “không đóng cửa” và “không phải chờ đợi”.

Hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung được nhận định là có triển vọng tiếp tục phát triển, tăng trưởng với việc các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và địa phương hai bên biên giới đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, thúc đẩy hợp tác.

Nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Triển vọng, tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn, nhất là khi nền kinh tế của hai nước có tính bổ sung lẫn nhau và xu thế phát triển của kinh tế thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại hai chiều, thời gian qua, Bộ Công Thương và một số bộ, ngành chức năng của Việt nam đã vận động phía Trung Quốc hoàn thiện các điều kiện để bổ sung thêm các cặp cửa khẩu được xuất nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu. Thông qua những cuộc trao đổi, Việt Nam và Trung Quốc đã có những ký kết tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển thương mại cửa khẩu hai nước.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại hai nước, các cơ quan chức năng liên quan cũng chú trọng công tác tuyên truyền, kết nối giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, địa phương ở nước ngoài. Đặc biệt là các chủ trương, chính sách lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, giao lưu hàng hóa để phổ biến cho các địa phương. Các địa phương biên giới cũng tăng cường phổ biến, trao đổi, thông báo đến các địa phương, vùng nguyên liệu, vùng trọng điểm xuất khẩu hàng hóa về những chủ trương, chính sách lớn trong lĩnh vực thương mại phía nước bạn.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Tại cuộc Hội đàm hẹp ngay trước Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, diễn ra ngày 27/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đều khẳng định quyết tâm sẽ phối hợp chặt chẽ và nỗ lực hơn nữa nhằm triển khai hiệu quả những nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, về việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt - Trung thời gian qua. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí đánh giá, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đang là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung".

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề ra một số biện pháp quan trọng nhằm triển khai thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, bao gồm: 1) Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; 2) Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; 3) Thúc đẩy ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo giữa hai nước; 4) Đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc; 5) Mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực; 6) Hoàn tất các thủ tục thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc; 7) Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương, các địa phương Việt Nam với các địa phương Trung Quốc; 8) Triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như “Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt - Trung”; 9) Ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu qua các Khu thí điểm thương mại điện tử hay Khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc.

Cũng tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã nhận định, triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất lớn. Do đó, cần tiếp tục thúc đẩy các cơ chế, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 bên. Đồng thời các doanh nghiệp hai bên cần tận dụng và nắm bắt các cơ hội để tăng cường hợp tác, khai thác hiệu quả tính bổ sung lẫn nhau, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh doanh ổn định và bền vững, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới, tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung"./.

NGỌC QUỲNH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất