Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400 km, trong đó có 383,914 km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây và Vân Nam đều là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 07 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Theo thống kê của Việt Nam, 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong nhiều năm vừa qua, Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc cuối năm 2022, đã có rất nhiều sự thay đổi trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước. Các hoạt động về kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động thương mại biên giới nói riêng sôi động trở lại, nhiều cửa khẩu hoạt động trở lại như trước khi có đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên cũng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là không khí sống hòa thuận giữa các dân tộc của hai đất nước, hai địa phương thân thiện hơn. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực này, kể cả đầu tư trong nước cũng như đầu tư của nước ngoài tại khu vực.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có những khởi sắc, quan hệ hợp tác và phối hợp cộng tác giữa hai bên tiếp tục được củng cố, mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới. Đó là trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định; hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại; việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu…
Để thực hiện mục tiêu của Lãnh đạo Cấp cao hai nước đặt ra, cụ thể là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế và thương mại khu vực biên giới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Lãnh đạo hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh tế thương mại biên giới.
Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ lớn, và đây cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho ngành sản xuất của Việt Nam để xuất khẩu. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và kịp thời kiến nghị với Đảng, Nhà nước có những chủ trương, giải pháp sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém liên quan.
Bên cạnh đó, quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao nhằm thúc đẩy kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là kinh tế, thương mại biên giới.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới nói riêng để tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi.
Các bộ, ngành cần tập trung rà soát sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư, các cơ chế chính sách có liên quan và tăng cường giao thiệp với đơn vị đồng cấp nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch sử dụng đất; Quy hoạch, Kế hoạch đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên, nhất là hạ tầng kinh tế - thương mại biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số. Đặc biệt là hạ tầng thương mại số các tỉnh vùng biên cần phải quan tâm đầu tư.
Các địa phương cần tập trung rà soát và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh của mình hướng tới đồng bộ hóa, nhất là vấn đề giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng theo Quy hoạch vùng. Đồng thời xây dựng Kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logictics, kho bãi…
Thứ ba, đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng ban giao tốt hơn với phía bạn.
Các bộ, ngành cần tập trung đề xuất Chính phủ, Ban chỉ đạo Vùng Trung du miền núi phía Bắc đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch vùng, trong đó chú trọng Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông đồng bộ có khả năng liên vận quốc tế giữa các tỉnh khu vực biên giới; đồng thời, chú trọng ban hành những cơ chế, chính sách đột phá, đủ mạnh và khả thi nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế thương mại khu vực biên giới.
Thứ tư, đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát Quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch.
Các địa phương đều phải triển khai thực hiện tốt Đề án Xuất khẩu chính ngạch mà Bộ Công Thương xây dựng và đã được Chính phủ thông qua. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.
Thứ năm, đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tăng cường đàm phán với phía bạn nhằm sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh.
Với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, đề nghị tiếp tục phối hợp các tỉnh biên giới trong việc triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu để nâng năng lực thông qua, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới và thực hiện tốt chức năng của mình theo quy định của pháp luật để thuận lợi hóa thương mại khu vực này.
Đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các văn phòng xúc tiến thương mại tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc.
Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương tham mưu xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông biên giới, đặc biệt là hệ thống giao thông đồng bộ kết nối có tính liên vận quốc tế.
Đối với Văn phòng Chính phủ, đề nghị tham mưu Chính phủ cho chủ trương để sớm sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 về quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới cho phù hợp với yêu cầu hiện nay; chủ trương về tái khởi động Chương trình hợp tác phát triển kinh tế qua biên giới đối với nước bạn, cũng như các cơ chế, chính sách có liên quan đến việc tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Thứ sáu, đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành và địa phương qua đơn vị chức năng; các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc. Đây là những “trung tâm” thu phát thông tin rất quan trọng, có thể cung cấp những thông tin về thị trường, về những thay đổi trong cơ chế chính sách của phía bạn và những gợi ý trong phản ứng chính sách của chúng ta để mang lại lợi ích tốt nhất cho quốc gia, dân tộc.
Cần phải tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội khu vực vùng biên nói chung, hợp tác kinh tế thương mại khu vực biên giới nói riêng để tạo đồng thuận trong xã hội.
Nam Hải