Chủ Nhật, 19/5/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 31/5/2018 15:1'(GMT+7)

Hưng Yên: Hiệu quả từ việc thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống


Nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, một mảnh đất phù sa màu mỡ nên ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Trải qua biến thiên, thăng trầm, vùng đất Hưng Yên không chỉ nổi danh “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” mà còn được biết đến là quê hương cách mạng kiên cường, nơi có chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành lập từ rất sớm (năm 1929)[1].
 

Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Đứng trước khó khăn của một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Đảng bộ tỉnh xác định, một yếu tố quan trọng cốt yếu trong hành trang để Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà vươn lên trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là truyền thống văn hiến cách mạng, yêu nước, yêu quê hương. Ngay giữa lúc còn bộn bề công việc, các cấp ủy Đảng tỉnh đã nhanh chóng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, việc đầu tiên, căn cốt là xốc lại công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống.

Để có căn cứ và hướng lãnh đạo trúng, đúng, kịp thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát, thống kê tình hình nghiên cứu biên soạn, xuất bản, phát hành lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử ngành và đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Kết quả rà soát đặt ra nhiều vấn đề: đến năm 1998, tỉnh mới xuất bản được cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập I (1929 – 1954); trong số các huyện mới tách, chỉ có huyện Kim Động đã biên soạn và xuất bản tập I (1930 – 1954); toàn tỉnh mới có 28/160 xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản và phát hành sách lịch sử Đảng bộ. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, biên soạn lịch sử từ tỉnh đến huyện, thị còn thiếu, trình độ năng lực còn hạn chế; việc chỉ đạo của các cấp ủy huyện, thị xã chưa thường xuyên, đặc biệt đối với các xã, phường, thị trấn còn thiếu sự hướng dẫn thống nhất, nên một số xã viết và in sách còn tùy tiện, chưa thống nhất về nội dung, phân kỳ, phương pháp luận, về tư liệu, về đánh giá, về quy trình… Các ngành, đoàn thể triển khai viết lịch sử còn chậm.

Với quyết tâm chính trị cao đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, ngày 26/3/1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06 - CT/TU về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, ngành, đoàn thể, đề ra 6 nhóm yêu cầu cụ thể. Thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU, cấp ủy Đảng, Ban cán sự, Đảng đoàn các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, ngành, đoàn thể mình.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan thường trực, nòng cốt tham mưu trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử Đảng bộ tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt sâu rộng Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo với công tác biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tham mưu lập chương trình kế hoạch, tiến hành biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập II (1954 – 1975), đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ biên soạn lịch sử của các huyện, thị xã và các ngành; thẩm định bản thảo trước khi các huyện, thị ủy, các ngành, đoàn thể xuất bản. Để cụ thể hoá việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, 10/10 huyện, thị uỷ đều ra nghị quyết, chỉ thị thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp huyện, thị và cơ sở, lịch sử ngành và đoàn thể. Các huyện mới tái lập như Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ đã kiện toàn cán bộ chuyên môn, khẩn trương tổ chức việc biên soạn sách lịch sử Đảng bộ huyện tập I giai đoạn (1930 – 1954), các huyện Châu Giang, Mỹ Văn, Kim Động, thị xã Hưng Yên tiến hành việc biên soạn tập II (1954 – 1975). Các ngành, đoàn thể cũng sớm xây dựng kế hoạch triển khai việc biên soạn lịch sử ngành theo hướng dẫn. Cùng với việc trực tiếp xây dựng kế hoạch sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và phát hành sách lịch sử đảng bộ, Ban Tuyên giáo các huyện, thị uỷ còn chỉ đạo, giúp đỡ về chuyên môn cho các xã, phường, thị trấn, các ngành, đoàn thể ở cấp huyện, thị tiến hành các bước như: tổ chức sưu tầm tư liệu, xây dựng đề cương chi tiết, biên soạn phần sơ thảo, mở hội nghị toạ đàm, tổ chức hội thảo những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, sau đó đi đến thống nhất việc biên soạn, xuất bản và phát hành sách lịch sử đảng bộ ở cơ sở, lịch sử các ngành và đoàn thể ở huyện, thị. Hàng năm Ban Tuyên giáo các huyện, thị uỷ phối hợp với trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã mở lớp tập huấn công tác nghiên cứu, biên soạn, phát hành sách lịch đảng bộ địa phương, lịch sử ngành và đoàn thể. Các đồng chí là nhân chứng đã nhiệt tình cung cấp thông tin về những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ có liên quan đến lịch sử của Đảng bộ tỉnh, đảng bộ các huyện, thị, đảng bộ các cơ sở; lịch sử các ngành và đoàn thể.
Đáng chú ý, cùng với việc tạo điều kiện về nguồn nhân lực, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh còn quan tâm bố trí kinh phí cho công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử ngành, đoàn thể. Tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ 200 triệu đồng/đơn vị cho các đơn vị xuất bản sách lịch sử, biên niên sự kiện, kỷ yếu; 10/10 huyện, thành ủy đều có hỗ trợ kinh phí đối với các xã, phường, thị trấn và các ngành, đoàn thể với mức hỗ trợ  từ 20 đến 70 triệu đồng/đơn vị, tùy theo giai đoạn xuất bản. Những năm gần đây, để tăng hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn trực tiếp ban hành các văn bản tạo cơ chế, căn cứ pháp lý để các địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết trong việc nghiên cứu, biện soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử ngành, đoàn thể. Tiêu biểu như Thông báo số 1180-TB/TU ngày 06/9/2014 về việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, các ngành và đoàn thể; Thông báo số 135-TB/TU ngày 16/3/2016 về việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản một số cuốn sách trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, giai đoạn 2015 – 2020, trong đó nêu rõ danh mục sách sẽ xuất bản, tái bản và lộ trình cụ thể…

Từ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành sách lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao. Ở tỉnh, đã biên soạn, xuất bản và phát hành hơn 20 đầu sách với hàng vạn cuốn, cụ thể là: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập I (1929-1954), tập II (1954-1975), tập III (1975-2005); Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ (phát hành năm 2000, tái bản năm 2006); Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, người con ưu tú của Hưng Yên; Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khoá XIV (1997-2001), khoá XV (2001-2005), khoá XVI (2006-2010); khoá XVII (2011-2015); khoá XVIII (2016-2020); Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 170 năm, 175 năm, 180 năm, 185 năm thành lập tỉnh Hưng Yên (phát hành các năm 2001, 2006, 2011, 2016); Sơ thảo lịch sử Cách mạng Tháng Tám của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên (1939-1946); Sách Cách mạng Tháng Tám ở Hưng Yên (năm 2016). Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã biên soạn, xuất bản và phát hành 03 cuốn sách “Lịch sử tỉnh Hưng Yên” làm tài liệu giảng dạy tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, để lưu danh các anh hùng liệt sĩ và các Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hưng Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sưu tầm, biên soạn và phát hành sách “Anh hùng liệt sĩ tỉnh Hưng Yên” (năm 2012), sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Hưng Yên (1994 - 2015)” (năm 2016).
Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã xuất bản sách lịch sử đảng; 140/161 xã, phường, thị trấn xuất bản sách lịch sử đảng bộ; 28/47 ban, ngành, đoàn thể tỉnh xuất bản sách lịch sử và kỷ yếu của ngành mình. Tiêu biểu như các cuốn “Hưng Yên lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975)” và “Chuyện kể về phong trào Nữ du kích Hoàng Ngân H­ưng Yên (1950-1954)” của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; “Lịch sử đấu tranh cách mạng đền, chùa ở Hư­­ng Yên (1930-1954) của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; các cuốn lịch sử ngành của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Liên đoàn lao động tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các ngành Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Bưu điện tỉnh, Chi cục Thống kê tỉnh, Tài nguyên và Môi trường tỉnh...  

Có thể khẳng định các sách lịch sử đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở, lịch sử ngành và đoàn thể đã được xuất bản, phát hành chính là kết quả của sự lao động khoa học, cẩn trọng trong xử lý tư liệu, tài liệu, nhận định khách quan. Nội dung cơ bản đảm bảo tính lịch sử, tính Đảng, tính khoa học; thể hiện được bức tranh sinh động, chân thực về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh đến cơ sở cũng như thể hiện rõ sự vận dụng những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Bố cục, phụ lục, bố trí ảnh trong các cuốn sách lịch sử cơ bản logic, chặt chẽ; văn phong trong sáng rõ ràng. Đây chính là nguồn tư liệu chính thống, hữu ích trong công tác lưu trữ, tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương; là cẩm nang quan trọng của các cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong quá trình tìm hiểu, học tập, nghiên cứu và tuyên truyền, quảng bá về Đảng bộ, quê hương Hưng Yên; đồng thời cũng là căn cứ tiên quyết để xây dựng, bài trí các khu di tích, nhà lưu niệm, nhà truyền thống, tượng đài của các danh nhân, địa danh trên mảnh đất Hưng Yên[2]. Nhiều cuốn sách còn là công trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm của địa phương, của ngành, góp phần quan trọng đối với công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đổi mới.

Những kết quả đạt được trong nghiên cứu, biên soạn, phát hành sách lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử ngành và đoàn thể đã góp phần tích cực, hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, giúp mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, nhận thức sâu sắc hơn truyền thống, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên và Đảng bộ địa phương nói riêng. Từ đó, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, làm tăng sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử Đảng, góp phần đấu tranh có hiệu quả với luận điệu sai trái, xuyên tạc và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch đã phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của ĐCSVN lịch sử  ngành, đoàn thể, khơi dậy và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quê h­­ương Hưng Yên giàu đẹp, văn minh.
 
[1] Tiền thân là chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập năm 1928 ở Đại Quan Sài Thị (nay là xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
 
[2] Tiêu biểu như Nhà lưu niệm Bác Hồ, Nhà tưởng niệm các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đền thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Hoàng Thị Thanh Mai - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất