Thứ Ba, 24/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Năm, 24/6/2010 9:31'(GMT+7)

Hướng dẫn các cấp ủy đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền việc thực hiện “Tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã”

Động, thực vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và sự tồn tại của con người. Bảo tồn động, thực vật hoang dã là điều kiện quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt có vấn đề bảo tồn các nguồn gen, tính đa dạng sinh học, các nguồn dược liệu quý. Trong hai thập kỷ qua, mặc dù các nỗ lực bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ đa dạng sinh học nói riêng được thực hiện ngày càng mạnh mẽ, nhưng trên thực tế tài nguyên sinh học vẫn bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái; nhiều loài, đặc biệt một số loài động, thực vật quý, hiếm đã bị tuyệt chủng hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng trên là do việc buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động, thực vật hoang dã. Việc thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư (khóa X) “về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”, Hướng dẫn số 72-HD/BTGTW ngày 29/3/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương về lĩnh vực công tác này; góp phần đưa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học vào cuộc sống; là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mỗi người dân.

Để thống nhất sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, BanTuyên giáo Trung ương hướng dẫn tuyên truyền việc thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã, với những nội dung sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1.1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức và hiểu biết của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên và mỗi người dân về vai trò của động, thực vật hoang dã và ý nghĩa của việc bảo vệ động, thực vật hoang dã đối với sự sinh tồn và phát triển của con người; về tác động tiêu cực của việc buôn bán bất hợp pháp động, thực vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên và xã hội;

- Thay đổi thái độ, hành vi của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên và mỗi người dân về tiêu dùng các sản phẩm động, thực vật hoang dã; thực hành tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức, hành vi tuân thủ pháp luật của mỗi người dân về bảo tồn động, thực vật hoang dã và tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Khuyến khích, động viên mọi người dân tham gia phát hiện, ngăn chặn việc khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã.

1.2. Yêu cầu

- Tuyên truyền rộng rãi việc tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã đến mọi đối tượng, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo và doanh nhân;

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã và các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị; chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện.

II. Nội dung, hình thức tuyên truyền

Các cấp uỷ đảng cần tập trung chỉ đạo về các nội dung, hình thức tuyên truyền sau:

2.1. Nội dung tuyên truyền

- Nội dung của tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Ý nghĩa của việc tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Tuyên truyền về pháp luật, thực thi pháp luật về tiêu dùng động, thực vật hoang dã;

- Trách nhiệm và hành động của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp;

- Trách nhiệm và hành động thực hiện của đảng viên, công chức, viên chức, doanh nhân và mỗi người dân;

- Tuyên truyền nhân rộng các mô hình bảo vệ và tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã ở các địa phương.

2.2. Các hình thức tuyên truyền

- Tuyên truyền trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng;

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị; lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị báo cáo viên, giao ban định kỳ ...;

- Biên soạn, phát hành rộng rãi các tài liệu tuyên truyền;

- Coi trọng công tác tuyên truyền miệng.

2.3. Đối tượng tuyên truyền

Tuyên truyền đến mọi đối tượng, chú ý đến các nhóm đối tượng khai thác, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động, thực vật hoang dã; cán bộ, doanh nhân và học sinh, sinh viên; tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân các vùng thuộc khu bảo tồn, khu vực vùng đệm và các đô thị.

III. Nhiệm vụ cụ thể

3.1. Đối với các cấp ủy đảng, chính quyền

- Chỉ đạo triển khai và định kỳ kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; Chỉ thị 29 - CT/TW của Ban Bí thư (khoá X) “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW”, trong đó có nội dung về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Chỉ đạo Ban Tuyên giáo của cấp uỷ, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện Kế hoạch tuyên truyền về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã, coi đây là một nội dung tuyên truyền thường xuyên;

- Chỉ đạo các cấp, các ngành phát hiện và xử lý nghiêm các vụ khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã. Đồng thời kịp thời tuyên dương, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia tích cực và có nhiều thành tích vào việc phát hiện, ngăn chặn khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã.

3.2. Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiêp

- Phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo và các cơ quan chức năng triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia trực tiếp vào các hoạt động tuyên truyền như: phổ biến kiến thức, thực hành pháp luật; tham gia vào quá trình giám sát hoạt động khai thác, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã trên địa bàn, trong cơ quan, đơn vị và phản ánh trực tiếp với chính quyền, đoàn thể, các cơ quan chức năng, qua các phương tiện thông tin đại chúng.

3.3. Đối với các cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ động, thực vật hoang dã

- Phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo cùng cấp trong xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, chủ trì trong việc xây dựng nội dung, tài liệu tuyên truyền về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Vận động cán bộ, đảng viên trong ngành gương mẫu trong việc triển khai và thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Phổ biến kiến thức pháp luật về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã cho cán bộ, đảng viên trong ngành để mỗi cán bộ, đảng viên trong ngành là một tuyên truyền viên tích cực và có hiệu quả về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Trong phạm vi chức năng quản lý của mình, tiến hành hướng dẫn, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã.

3.4. Đối với các cơ sở đảng trong các doanh nghiệp

- Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên về ý thức bảo tồn thiên nhiên và thực hiện tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Tăng cường giáo dục pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã và không khai thác, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.

3.5. Đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, doanh nhân và mỗi người dân

Đảng viên, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, công chức, viên chức là người tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Học tập nâng cao hiểu biết về bảo tồn, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã; nắm vững pháp luật và tuân thủ pháp luật; thực hành tiêu dùng bền vững động vật, thực vật hoang dã;

- Tuyên truyền trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã;

- Không tham gia buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động, thực vật hoang dã;

- Sử dụng các sản phẩm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã quý, hiếm;

- Tích cực, chủ động tham gia phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.

IV. Tổ chức thực hiện

4.1. Ban Tuyên giáo các cấp ủy đảng tham mưu để cấp ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền về tiêu dùng bền vững động, thực vật hoang dã tại bộ, ngành, địa phương, đơn vị; phối hợp với các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, đánh giá và báo cáo cấp ủy về kết quả thực hiện;

4.2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp chủ động triển khai công tác tuyên truyền, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện báo cáo cấp ủy và cơ quan cấp trên trực tiếp;

4.3. Hàng năm, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành ủy chỉ đạo sơ kết và báo cáo kết quả về Ban Tuyên giáo Trung ương.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

( Đã ký )

Phùng Hữu Phú
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất