Thứ Sáu, 29/11/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Hai, 6/4/2009 15:48'(GMT+7)

Hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX)

Ngày 15 tháng 11 năm 2004, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, chưa thực sự có chuyển biến mang tính đột phá, chưa thực hiện tốt những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra.

Ngày 21-01-2009, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TW và 7 nhiệm vụ trong Chỉ thị số 29-CT/TW.

2. Yêu cầu

- Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và từng cơ sở cần tiến hành kiểm điểm, đánh giá toàn diện quá trình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đánh giá đúng thực trạng, nêu rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện; có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và 7 nhiệm vụ trong Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đưa công tác bảo vệ môi trường vào nội dung kiểm điểm công tác định kỳ của cơ quan, đơn vị. Chú trọng việc phát hiện nhân tố, mô hình tiên tiến, điển hình để tuyên truyền, nhân rộng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc.

II. NỘI DUNG HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT VÀ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cần truyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt 7 nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21-01-2009 của Ban Bí thư; đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương để xây dựng chương trình hành động tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư.

Quán triệt Chỉ thị cần nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

Một là, tổ chức kiểm điểm, đánh giá nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) đối với cơ quan, đơn vị, địa phương mình; xác định rõ những ưu điểm, khuyết điểm, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Nghị quyết 41-NQ/TW và Chỉ thị này; 6 tháng và hằng năm đưa nội dung kiểm điểm công tác bảo vệ môi trường vào báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Hai là, tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người, đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Xây dựng tiêu chí về môi trường vào đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gia đình, làng, bản, khu phố, cá nhân, tập thể,... Phát hiện, tuyên truyên nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường.

Ba là, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa và hướng dẫn đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, sửa đổi, bổ sung các qui định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự. Qui định các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến cơ sở. Không phê duyệt chiến lược, qui hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường. Quản lý chặt chẽ chất thải. Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Thực hiện việc đánh giá công nghệ sản xuất của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi sai phạm, nhất là những sai phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Xây dựng lực lượng tình nguyện bảo vệ môi trường. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, chứng nhận về bảo vệ môi trường.

Năm là, tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường. Tăng tỷ lệ đầu tư cho môi trường trong nguồn vốn phát triển chính thức (ODA). Từng bước thực hiện thu phí, ký quĩ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

2. Để thực hiện Chỉ thị, các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình hành động riêng hoặc bổ sung vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW đã ban hành (không ban hành Chỉ thị hay Nghị quyết riêng). Trên cơ sở đó, các quận/ huyện và đảng ủy xã/ phường xây dựng chương trình hành động của địa phương theo từng cấp. Các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của địa phương, đơn vị, để xây dựng chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và 7 nhiệm vụ trong Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư.

3. Để bảo đảm tiết kiệm thời gian và công sức, việc tổ chức học tập và quán triệt Chỉ thị, triển khai chương trình hành động, cần phối hợp với việc tổ chức học tập và quán triệt các nghị quyết, chỉ thị khác. Hình thức tổ chức học tập và quán triệt Chỉ thị, triển khai chương trình hành động hợp lý, nghiêm túc và có hiệu quả. Chỉ thị này cần được phổ biến trong các buổi họp chi bộ đến từng đảng viên.

III. TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU, QUÁN TRIỆT VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

1. Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đảng đoàn các đoàn thể Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21-01-2009 của Ban Bí thư “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và triển khai chương trình hành động cho cán bộ, đảng viên theo phạm vi mình quản lý.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Trung ương Đảng, tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị cho Lãnh đạo Ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy trong tháng 4 năm 2009.

3. Ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy tham mưu cho tình, thành ủy tổ chức việc học tập, quán triệt Chỉ thị cho cán bộ chủ chốt trong phạm vi địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Chỉ thị này của Ban Bí thư chậm nhất là hết tháng 6 năm 2009 phải hoàn thành.

Định kỳ 6 tháng và hằng năm, Ban cán sự đảng các bộ, ngành; đảng đoàn các đoàn thể Trung ương; Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kết quả về triển khai, quán triệt Chỉ thị và thực hiện chương trình hành động cụ thể về Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp trình Ban Bí thư và Bộ Chính trị.

K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC

Đã ký

Phùng Hữu Phú

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất