Quý II, III, IV năm 2009 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tổ chức kỷ niệm những sự kiện lịch sử: 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2009); 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009); 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009); 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2009); 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2009); 55 Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2009); 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009), 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2009) và một số ngày kỷ niệm khác. Căn cứ Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 20/3/2009 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Thông qua các hoạt động kỷ niệm để tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tư cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo sự đoàn kết nhất trí cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
- Tạo không khí phấn khởi trong xã hội, cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, quyết tâm đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
- Kết hợp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong quý II, III, IV năm 2009 với các sự kiện lớn của địa phương, đơn vị; với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; với việc xây dựng kế hoạch kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2010 theo tinh thần Chỉ thị 32-CT/TW ngày 20/3/2009 của Bộ Chính trị và đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cần được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, tạo dấu ấn lịch sử và sức lan toả rộng. Gắn tuyên truyền, giáo dục với những việc làm thiết thực, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi địa phương, đơn vị, đoàn thể cần xây dựng những chương trình, đề án, dự án cụ thể giúp đỡ các huyện, xã, thôn, bản, gia đình có khó khăn để nhân dân phấn khởi đón chào những ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong hai năm 2009-2010.
II. CÁC NGÀY LỄ LỚN
1. Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2009)
a. Nội dung tuyên truyền
- Tôn vinh công lao to lớn của đồng chí Trần Phú, cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người đã dự thảo Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngay từ những ngày mới thành lập.
- Ca ngợi phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; rút ra những bài học quý trong công tác giáo dục, rèn luyện lý tưởng, đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức mít tinh kỷ niệm mời đại diện Trung ương dự.
- Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học.
- Các địa phương, đơn vị tổ chức các hình thức kỷ niệm thích hợp.
- Các báo, đài Trung ương và địa phương đăng tin, bài, tư liệu ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú; đưa tin các hoạt động kỷ niệm của tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương trong cả nước; giới thiệu các di tích lịch sử, công trình lưu niệm, tưởng niệm đồng chí Trần Phú. Đài Truyền hình Việt Nam chiếu phim tư liệu về đồng chí Trần Phú.
2. Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009)
a. Nội dung tuyên truyền
- Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm.
- Những thành tựu to lớn của nhân dân Tây Bắc và cả nước sau 55 Chiến thắng Điện Biên Phủ; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền; chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và tỉnh Điện Biên xây dựng Đề án đưa kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ thành ngày lễ quốc gia.
- Tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự.
- Các địa phương, ngành, đoàn thể tổ chức các hình thức kỷ niệm thích hợp như hội thảo, toạ đàm về Chiến thắng Điện Biên Phủ; giao lưu, gặp mặt những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân dân đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; liên hoan văn nghệ, thể thao; gặp mặt biểu dương điển hình tiên tiến...
- Báo, đài đưa tin, bài về Chiến thắng Điện Biên Phủ và các hoạt động kỷ niệm của tỉnh Điện Biên, các địa phương, ngành, đoàn thể trong cả nước.
- Ngành văn hoá, thể thao và du lịch tổ chức triển lãm, chiếu phim, văn nghệ, thể thao, quảng bá, du lịch...; tiếp tục bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; sưu tầm những tư liệu, hiện vật về Chiến thắng Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tổ chức lưu giữ, nghiên cứu, xuất bản những tài liệu, ấn phẩm của các nhân chứng lịch sử để góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
3. Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009) gắn với kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2009)
a. Nội dung tuyên truyền
- Những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc và thế giới.
- Truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của Quân đội và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên con đường huyền thoại, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh để phục vụ vận tải, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam.
- Những đóng góp to lớn, sự hy sinh anh dũng của bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng tham gia mở và giữ đường Hồ Chí Minh.
- Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; truyền thống và chiến công vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức theo thông lệ năm lẻ và gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009); đồng thời chuẩn bị kế hoạch kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người và kỷ niệm 20 năm UNESCO công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “nhà văn hoá kiệt xuất - anh hùng giải phóng dân tộc” vào dịp 19/5/2010.
- Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự.
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ hội kỷ niệm tại khu Tượng đài Thanh niên xung phong - Trung tâm Phong Nha - Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, là một trong những điểm xuất phát đầu tiên và cũng là trung tâm các đầu mối dọc, ngang của toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.
- Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trực tiếp với đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn tổ chức các hình thức kỷ niệm thích hợp, ôn lại truyền thống lịch sử như: tôn tạo di tích lịch sử; mít tinh, gặp mặt tọa đàm, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao…
- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam biên soạn Đề cương tuyên truyền. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội tham khảo và xây dựng tài liệu tuyên truyền của địa phương, đơn vị.
4. Kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2009)
Tổ chức kỷ niệm theo thông lệ năm lẻ, đồng thời chuẩn bị xây dựng kế hoạch kỷ niệm 35 năm vào dịp 30/4/2010.
5. Kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2009) và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2009)
Tổ chức kỷ niệm theo thông lệ năm lẻ và chuẩn bị xây dựng kế hoạch kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 2010.
6. Kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2009)
a. Nội dung tuyên truyền
- Ý nghĩa lịch sử Ngày giải phóng Thủ đô; những đóng góp to lớn của Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
- Thành tựu to lớn của Thủ đô sau 55 giải phóng, chiến đấu, xây dựng và phát triển.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Thủ đô Hà Nội mít tinh kỷ niệm, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự.
- Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm.
7. Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009) và 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2009)
a. Nội dung tuyên truyền
- Lịch sử, truyền thống vẻ vang, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Ý nghĩa của Ngày hội Quốc phòng toàn dân; kết quả và bài học kinh nghiệm trong công tác quốc phòng toàn dân; phương hướng, nhiệm vụ công tác quốc phòng toàn dân trong giai đoạn cách mạng mới.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm, mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự. Tổ chức gặp mặt, giao lưu với các chuyên gia quân sự nước ngoài; gặp mặt, giao lưu với các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ, tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tổ chức triển lãm …
- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành Đề cương tuyên truyền. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội tham khảo và xây dựng tài liệu tuyên truyền của địa phương, đơn vị.
- Các địa phương, ngành, đoàn thể phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố tổ chức các hình thức kỷ niệm thích hợp.
- Báo, đài đăng tin, bài về những nội dung nêu trên và các hoạt động kỷ niệm.
8. Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2009)
a. Nội dung tuyên truyền
- Ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hoá kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
- Kết quả thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình hình triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình trong Cuộc vận động.
b. Các hoạt động kỷ niệm
Các hoạt động kỷ niệm được triển khai trong năm 2009 và tiếp nối trong năm 2010, cao điểm vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người.
Ban sẽ có hướng dẫn cụ thể tiếp theo.
9. Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2009) kết hợp với tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn Hội lần thứ IV
a. Nội dung tuyên truyền
- Lịch sử, truyền thống vẻ vang, quá trình xây dựng và phát triển của Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- Kết quả hoạt động của Hội trong 20 năm qua; những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Hội.
- Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội Cựu chiến binh; biểu dương những tập thể, cá nhân cựu chiến binh tiêu biểu.
b. Các hoạt động kỷ niệm
- Trung ương Hội Cựu chiến binh chuẩn bị tài liệu tuyên truyền, báo cáo tại Hội nghị báo cáo viên Trung ương. Hội Cựu chiến binh các cấp báo cáo tại Hội nghị báo cáo viên các cấp.
- Kết hợp tổ chức mít tinh kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước tại thủ đô Hà Nội, mời đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự.
- Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội thi đua yêu nước kết hợp kỷ niệm 20 thành lập Hội.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng hướng dẫn tuyên truyền; đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong hai năm 2009 - 2010 của địa phương, đơn vị mình. Trong Kế hoạch kỷ niệm cần lưu ý làm rõ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 20-3-2009 của Bộ Chính trị. Kế hoạch tổ chức kỷ niệm gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương để theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn ngành dọc và các đơn vị chức năng tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, triển lãm, chiếu phim… phục vụ nhân dân. Tăng cường thông tin, cổ động trực quan, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2009 ở khu trung tâm và nơi giáp gianh các tỉnh, thành phố, nhất là trên các tuyến quốc lộ, sân bay, nhà ga, bến cảng…
3. Bộ Ngoại giao hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin về các ngày lễ lớn của đất nước; biên soạn, phát hành rộng rãi tài liệu tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; hướng dẫn cho đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là lưu học sinh tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2009, gắn với kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2010.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân tổ chức các hoạt động kỷ niệm; phát động thi đua lập thành tích mừng các ngày lễ lớn của đất nước; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, hội viên đến từng xã, phường, thôn, ấp, bản.
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có hướng dẫn cụ thể cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tổ chức kỷ niệm phù hợp với đặc thù, điều kiện của từng đối tượng; tăng cường hoạt động về nguồn, giao lưu, học tập tại các địa danh lịch sử cách mạng, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh, sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam...
5. Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật Trung ương và địa phương đẩy mạnh sáng tác văn học, nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng.
6. Hội Nhà báo Việt Nam tăng cường thông tin, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước với nhiều hình thức sáng tạo, sinh động, hấp dẫn độc giả; tích cực hưởng ứng Cuộc thi Báo chí toàn quốc về chủ đề 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan hữu quan phát động.
7. Các báo, đài Trung ương và địa phương tuyên truyền sâu, rộng các ngày lễ lớn của đất nước .
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng thời lượng những chương trình giáo dục truyền thống, lịch sử, nhất là vào giờ vàng; tăng chuyên mục, tin, bài về các ngày lễ lớn của đất nước; đưa tin kịp thời hoạt động kỷ niệm của các địa phương, đơn vị, đoàn thể; truyền hình và phát thanh trực tiếp một số hoạt động lớn.
IV. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
Tiếp tục sử dụng khẩu hiệu đã nêu trong Hướng dẫn số 66-HD/BTGTW Tuyên truyền các ngày lễ lớn trong quý I/2009. Bổ sung một số khẩu hiệu sau:
1. Nhiệt liệt chào mừng 64 năm Cách mạng Thámg Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam !
2. Nhiệt liệt chào mừng 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009) !
3. Nhiệt liệt chào mừng 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009) !
4. Nhiệt liệt chào mừng 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009) và 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2009) !
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hoá kiệt xuất, anh hùng giải phóng dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam !
K/T TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Đã ký
Phùng Hữu Phú