Thứ Bảy, 30/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 22/6/2012 18:43'(GMT+7)

Hướng đi mới phát triển kinh tế ven biển

Do đó, Nhà nước không ngừng đẩy mạnh Chiến lược phát triển kinh tế biển như hình thành các khu kinh tế, các trung tâm kinh tế văn hóa xã hội ven biển. Tuy nhiên, đến nay, trong Chiến lược Biển Việt Nam vẫn chưa có các quy hoạch phát triển cụ thể cho từng loại không gian biển nói chung và không gian ven biển nói riêng. Các địa phương có biển còn xảy ra tình trạng phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, quy hoạch không gian ven biển nhằm xác định rõ các cực phát triển “tiên phong” và các tuyến lực đủ mạnh ở ven biển để tạo mối liên kết vùng, tập trung mọi nguồn lực đầu tư được xem là hướng đi mới để phát triển hơn nữa kinh tế ven biển.

Hình thành các đô thị ven biển

Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương cho các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo được các cực phát triển mạnh: trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội. Tức là, các đô thị lớn ven biển có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển. PGS.TS.Nguyễn Chu Hồi, Trung tâm Nghiên cứu Biển và Hải đảo nhận định: Trong bối cảnh như vậy, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư cho một số trung tâm hướng biển mới nên chú trọng tận dụng các đô thị ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng biển” như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu. Cần đầu tư cho các đô thị này cùng với một số trung tâm hướng biển được chọn lựa để xây dựng không chỉ thành các cực phát triển mạnh ở dải ven biển mà còn là các cực đối trọng có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực biển Đông. Bên cạnh đó, cũng nên hình thành các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận mà còn vào sâu nội địa và lan xa ra ngoài biển.

Theo TS.Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong thời gian tới, mỗi vùng biển từ Bắc vào Nam với vị trí địa lý cũng như những thuận lợi riêng để có được những quy hoạch tổng hợp và chi tiết nhằm xây dựng các đô thị ven biển trọng điểm của vùng miền. Ngay cả những vùng đã có trung tâm kinh tế văn hóa hình thành trước đó thì những trung tâm này cũng cần được tổ chức, sắp xếp lại cách thức hoạt động để đạt hiệu quả hơn nữa. Chẳng hạn, vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung bộ (từ Thanh Hóa - Bình Thuận) sẽ có hướng tổ chức không gian biển là phát triển có trọng điểm, tạo ra những mũi đột phá, những trục động lực từ phía biển, từ đó tạo đà cho cả miền Trung. Cụ thể: xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả vùng và là một trong ba trung tâm kinh tế biển của cả nước. Tại đây, nên sớm hình thành một trung tâm nghề cá mạnh để giúp đỡ ngư dân các địa phương trong vùng khai thác vùng khơi biển Đông. Bên cạnh đó, do địa hình bị chia cắt mạnh, hẹp về chiều ngang nên đặc trưng phân bố hệ thống đô thị của vùng sẽ là “đa trung tâm”. Nghĩa là sẽ hình thành nhiều trung tâm vừa và nhỏ, phân bố hợp lý, không quá tập trung vào các thành phố lớn; kết hợp giữa phát triển có trọng điểm chuỗi đô thị Huế-Chân Mây-Đà Nẵng-Chu Lai-Vạn Tường-Quy Nhơn-Tuy Hòa-Nha Trang-Tháp Chàm với hình thành một số chuỗi đô thị quy mô nhỏ hơn; phát triển các đô thị vệ tinh phía Tây để hỗ trợ công nghiệp hóa nông thôn và hạn chế sự di dân ồ ạt vào các đô thị lớn như hiện nay….

Xác định các khu kinh tế trọng điểm

Cả nước hiện có 15 Khu kinh tế (KKT) ven biển gồm: 2 KKT ở vùng đồng bằng sông Hồng, 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung và 3 KKT ở đồng sông Cửu Long. Các KKT này được xem là đòn bẩy để phát triển kinh tế hướng biển của từng địa phương cũng như trong Chiến lược Biển cả nước. Thế nhưng, hiện chưa một KKT nào thực sự được xem là một KKT theo đúng nghĩa, được giới đầu tư quốc tế quan tâm, nhất là các công ty đa quốc gia.

Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, các KKT vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và từ các Tập đoàn kinh tế quốc dân. Trong khi, mục tiêu chính của các KKT là tạo lực hút mạnh các nhà đầu tư quốc tế, hình thành nên các đầu tàu kinh tế cho khu vực. Sở dĩ như vậy vì các KKT được thành lập khi chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yếu tố và điều kiện cần thiết. Chẳng hạn như: thừa cảng biển nhưng lại thiếu hạ tầng kết nối nên không phát huy được lợi thế vận cảng biển và không thu hút được nhà đầu tư quốc tế. Trong khi đó, thời gian tới có thể còn có ít nhất 5 KKT nữa được cho thành lập. Số lượng như vậy là quá nhiều, nguồn vốn đầu tư ngân sách sẽ tiếp tục bị dàn trải. Vì vậy, nên giảm bớt các KKT và chỉ tập trung xây dựng ở một số KKT theo mô hình đặc khu kinh tế tự do mà ở đó có những nút thắt về thể chế kinh tế được tháo bỏ, trao cho các khu trọng điểm này một thể chế kinh tế phù hợp, có trình độ quản lý, trình độ công nghệ cao, cơ sở hạ tầng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, có tính kết nối cao; tập trung đầu tư lớn cho khu này bứt phá. Hơn nữa, việc xác định nhóm KKT để ưu tiên đầu tư không có nghĩa là loại bỏ các KKT còn lại mà thực chất là một giải pháp để phân kỳ đầu tư phát triển cho hợp lý.

Vấn đề đặt ra, trong 15 khu KKT hiện nay, khu kinh tế nào đủ tiềm lực thu hút được sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế thế giới để Nhà nước tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng tương ứng. Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết thêm, nhóm KKT sẽ được tiếp tục tập trung đầu tư từ năm 2013 phải hội đủ các yếu tố: thuận lợi trong giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa; trong đó, yếu tố hàng đầu là cảng biển, sân bay và đường giao thông. Để được tiếp tục đầu tư, KKT đó phải ở gần trung tâm kinh tế của vùng; Thực tế cho thấy một số những KKT có những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nhờ những lợi thế này. Nhóm các KKT ven biển ưu tiên đầu tư gồm: Nhóm KKT Chu Lai-Dung Quất, Đình Vũ- Cát Hải, Nghi Sơn, Vũng Áng, đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu của Chiến lược Biển và tạo được nền kinh tế xanh lam trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với khu vực thì việc xác định các “mũi” phát triển trọng điểm như trên được xem là giải pháp hiệu quả./.

Lan Ph ương - TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất