GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn: Văn hóa – Trụ cột thứ 4 trong phát triển bền vững
|
GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn
|
Trong mọi hoạt động từ kinh tế đến chính trị và xã hội đều phải đề cao nhân tố con người, chính “con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Chỉ khi nào con người tự ý thức được chính mình là chủ thể của sự phát triển thì khi đó con người mới sẽ tự khơi dậy và tự bộc lộ được tất cả khả năng của mình; từ khả năng tư duy đến năng lực hành động thực tiễn, cùng với tự ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình đóng góp cho quá trình đổi mới và cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh nhân tố con người, để phát triển bền vững đất nước thì bên cạnh sự phát triển bền vững về kinh tế, sự phát triển bền vững về xã hội và sự phát triển bền vững về môi trường, còn cần phải đặc biệt quan tâm đến sự phát triển bền vững của văn hoá, bởi vì văn hóa chỉ có ở con người và loài người; văn hóa chính là “nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
Văn hóa phải thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội và vào từng con người; vào lĩnh vực chính trị với tư cách là văn hóa chính trị; vào kinh tế với tư cách là văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; vào tổ chức, quản trị và điều hành đất nước; v.v.. Văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống, phải góp phần thôi thúc con người tự nhận thức và thực thi trách nhiệm của mình đối với xã hội đó một cách tốt nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động. Chính vì vậy, các quốc gia đang phát triển mới bắt đầu tiến hành quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam vừa cần khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, vừa cần tiếp thu có chọn lọc giá trị của các nền văn hóa khác; đặc biệt, cần coi sự phát triển bền vững về văn hóa là trụ cột thứ 4 cùng với sự phát triển bền vững về kinh tế, sự phát triển bền vững về xã hội và sự phát triển bền vững về môi trường - những trụ cột của sự phát triển bền vững của đất nước.
Sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội sẽ không thể nào bền vững nếu không xoay quanh cái trục phát triển bền vững về văn hoá. Bởi vậy, những giải pháp cụ thể, thiết thực, có khả năng thực thi cao về văn hóađể tránh rơi vào tình trạng hô hào hoặc kêu gọi chung chung, đặc biệt là không để xảy ra tình trạng tăng trưởng kinh tế làm tổn hại hay huỷ hoại các giá trị văn hoá theo nghĩa rộng của từ này, bởi vì mục đích mà chúng ta hướng tới và phải thực hiện cho bằng được theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng nước Việt Nam dân chủ, tự do, công bằng, nhân văn, dân giàu, nước mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới
|
PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
|
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nêu lên yêu cầu về việc “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Giá trị văn hóa quốc gia đã được xác định như một “quyền lực mềm”, một nguồn lực, sức mạnh mềm quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có hệ giá trị và bản sắc văn hóa riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc văn hóa đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.
Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới, chúng ta cần tập trung một số nội dung sau: Thứ nhất, đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ, “cốt lõi” của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Thứ hai, chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng, bằng nhiều hình thức khác nhau về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Người tượng trưng cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam và tiểu sử, sự nghiệp, trước tác của các danh nhân lịch sử, văn hóa, quân sự tiêu biểu của dân tộc ta..., làm lan tỏa, củng cố giá trị văn hóa Việt Nam trong lòng nhân dân thế giới. Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa để phổ biến và lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam ra thế giới. Thứ năm, phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa trong nước và quốc tế. Tiếp thu, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Thứ sáu, gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế, phát triển du lịch; phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế -văn hóa mũi nhọn, đồng thời coi trọng việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau...
Phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới; phát huy, lan tỏa giá trị, tinh hoa của văn hóa dân tộc ra thế giới cũng như cần thiết phải định hình được vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại trong hiện tại và tương lai.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Xác lập và định hướng phát triển văn hóa số trong bối cảnh hiện nay
|
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
|
Kỷ nguyên số, do sự xuất hiện của internet như một hình thức truyền thông đại chúng và việc sử dụng rộng rãi máy tính cá nhân và các thiết bị khác như điện thoại thông minh,… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa. Sự hiện diện của công nghệ kỹ thuật số có mặt khắp nơi trên thế giới đến mức chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy văn hóa kỹ thuật số có khả năng thẩm thấu vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống hằng ngày và không chỉ giới hạn ở internet hoặc các công nghệ truyền thông hiện đại.
Văn hóa số được định nghĩa là các loại hình văn hóa nghệ thuật, những thói quen, giá trị, chuẩn mực, lối sống được hình thành từ/trong tác động của các phương tiện kỹ thuật số, đặc biệt là mạng internet và các phương tiện truyền thông mới. Các sáng tạo văn học, nghệ thuật trên không gian số ngày càng nở rộ. Từ điện ảnh, âm nhạc cho đến các xuất bản phẩm như báo, tạp chí, sách điện tử đang thay thế các ấn phẩm truyền thống. Không gian số cũng sẽ làm thay đổi thị hiếu, thói quen sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, họ có thể tham quan các bảo tàng số hóa nhờ công nghệ thực tại ảo, xem triển lãm, thậm chí mua tác phẩm nghệ thuật qua mạng, nghe nhạc, xem phim hay biểu diễn nghệ thuật trực tuyến,…
Có thể thấy, sự hình thành văn hóa số là một hiện tượng tất yếu khách quan, là sản phẩm của bối cảnh xã hội mới dựa trên sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Để xác lập và định hướng phát triển văn hóa số, chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp sau: Một là, tăng cường nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của văn hóa số trong sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hai là, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đủ khả năng hội nhập kỹ thuật số với mặt bằng công nghệ chung của khu vực cũng như thế giới. Ba là, xóa bỏ khoảng cách không gian số, giảm bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tài nguyên số giữa các cá nhân, vùng miền, đồng thời có chính sách tạo môi trường xã hội khuyến khích tối đa sự sáng tạo cá nhân. Bốn là, có các chính sách và hành lang pháp lý phù hợp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và tài sản số. Năm là, các chính sách về quyền riêng tư, bảo vệ thông tin cá nhân trong không gian số. Kỷ nguyên số sẽ dẫn đến việc các thông tin cá nhân được số hóa, từ các thông tin nhân khẩu xã hội, thông tin về y tế, chăm sóc sức khỏe cho đến các thông tin về địa điểm đi lại hay thị hiếu giải trí,… điều này cũng sẽ dẫn đến nguy cơ các thông tin cá nhân nếu bị tiết lộ và bị lợi dụng cho các mục đích tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của mỗi người. Sáu là, cần thiết có chiến lược về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường lao động cũng như tạo dựng một thế hệ công dân số cho tương lai.
Chủ động trong việc xây dựng và phát triển văn hóa số sẽ giúp chúng ta chủ động trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
NSƯT Trần Quang Khải, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Cải lương thử nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam: Đội ngũ văn nghệ sĩ là những chiến sĩ tiên phong trong xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam
|
NSƯT Trần Quang Khải, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Cải lương thử nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam
|
Tính từ ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam vào 7/1948, đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã có hơn 40.000 người sinh hoạt trong 73 hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, đội ngũ văn nghệ sỹ cống hiến tài năng của mình đồng hành cùng dân tộc trên những chặng đường của lịch sử đất nước. Họ đã trở thành những “văn nghệ sĩ - chiến sĩ” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ đã được Đảng và Nhà nước ban hành. Nhiều giải thưởng quốc gia và việc phong tặng các chức danh khoa học, các danh hiệu cao quý cho các văn nghệ sĩ... được thực hiện, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội khích lệ, động viên to lớn đối với văn nghệ sĩ. Cùng với đó, việc tăng cường đầu tư cho văn hóa và văn nghệ... đã góp phần phát huy tiềm năng và nội lực của đội ngũ văn nghệ sĩ trong hoạt động thực tiễn.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đội ngũ văn nghệ sĩ là một trong những lực lượng góp sức xây dựng “vùng xanh” tinh thần để chiến thắng dịch bệnh. Chuỗi Chương trình nghệ thuật đặc sắc online "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" tại các điểm cầu, livestream trên nền tảng số thể hiện mong muốn xây dựng một thương hiệu nghệ thuật online với nhiều format khác nhau và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; đồng thời, tiếp thêm sức mạnh cho toàn thể nhân dân và các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Với những tác phẩm nghệ thuật trong các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… những nghệ sỹ đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc, góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để đẩy lùi dịch bệnh.
Khắc ghi lời dạy của Bác “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, trước những yêu cầu thách thức mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ cần phải nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách, trau dồi tài năng, tâm huyết với lao động nghệ thuật để xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trong xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn, góp phần bồi đắp nền văn hóa mới, kiến tạo chủ thể con người mới nhằm ổn định và phát triển đất nước mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng nhân loại tiến bộ, văn minh. Cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; nhận diện và chủ động đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch thông qua việc lợi dụng văn học, nghệ thuật. Bản thân mỗi văn nghệ sỹ không chạy theo xu hướng thương mại hóa, hạ thấp các giá trị căn cốt và bền vững, đích thực của tác phẩm văn học nghệ thuật, không để lợi nhuận, đồng tiền chi phối trên hết, trước hết.
Để phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chế độ nhằm trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức văn nghệ sĩ tương xứng với tài năng và đóng góp của họ cho đất nước, cho dân tộc. Tạo lập môi trường và điều kiện hoạt động thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sỹ họ có thể hoàn thiện, đáp ứng những đòi hỏi mới của công chúng trong nước cũng như trong giao lưu văn hóa quốc tế.
Giao Tuyến (thực hiện)