(TG)- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 9-2017, làm căn cứ xây dựng chương trình các môn học để kịp thời triển khai vào năm học 2018-2019. Thời hạn đóng góp ý kiến đã khép lại sau ngày 20-5. Đến nay, dù chưa công bố cụ thể những ý kiến này, song với mục tiêu coi trọng chất lượng, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tiếp tục tiếp thu để điều chỉnh các nội dung còn băn khoăn, với tinh thần chậm mà chắc.
Băn khoăn tính khả thi
Đại diện Ban Soạn thảo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Bộ GD-ĐT) cho biết, cùng với việc tiếp thu ý kiến từ các phương tiện truyền thông, Ban Soạn thảo đã tập hợp ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh từ 63 tỉnh, thành phố thông qua nhiều hình thức như khảo sát, phỏng vấn, điều tra bằng phiếu hỏi… Hầu hết các ý kiến đều thống nhất cơ bản nội dung dự thảo chương trình tổng thể với những điểm khác biệt so với chương trình hiện hành như giảm số môn học, không quy định cứng thời gian từng môn, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học ngoại ngữ từ lớp 1, định hướng nghề nghiệp từ lớp 10…
Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ra sao để đáp ứng được các yêu cầu của chương trình mới. Không ít cán bộ quản lý cho rằng, nếu tuyển mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì sẽ thừa giáo viên, nếu tổ chức đào tạo lại đội ngũ hiện có thì chưa có nội dung, chương trình cụ thể…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, cần chú trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên hiện có. Cái khó của đội ngũ này là đã được đào tạo từ nhiều năm trước và vẫn dạy theo lối nặng về truyền thụ kiến thức, chưa quan tâm nhiều đến tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Ngoài ra, để học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng như mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cách nhận xét học sinh từng cấp học cần được điều chỉnh theo yêu cầu xác nhận cụ thể những nỗ lực của học sinh trong việc rèn luyện phẩm chất, năng lực, giáo viên không nên phê chung chung, đại khái như hiện nay. Ví dụ, giáo viên cần nêu rõ cho học sinh biết những phẩm chất nào đã làm tốt, những việc cụ thể cần rút kinh nghiệm và cách thức để làm tốt hơn…
Vừa tiếp thu, vừa chỉnh sửa
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành Giáo dục đang tích cực chuẩn bị triển khai chương trình mới với tinh thần quyết liệt, thận trọng và cầu thị. Về vấn đề giáo viên, theo Bộ trưởng, chương trình hiện hành dạy đơn môn, còn chương trình mới có một số môn tích hợp, đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng lại. Bộ GD-ĐT đang tiến hành rà soát 1,4 triệu giáo viên hiện nay tương ứng ở mức nào so với chuẩn, từ đó sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp.
Bộ cũng đã giao việc đào tạo, bồi dưỡng cho 7 trường đại học sư phạm nòng cốt và hơn 100 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm làm vệ tinh, đồng thời yêu cầu các đơn vị này chủ động đào tạo giáo viên các môn học mới. Từ tháng 9-2017, Bộ sẽ tiến hành đào tạo cho đội ngũ giáo viên cốt cán, sau đó mở rộng đến đội ngũ giáo viên toàn ngành.
Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý từ nhiều phía, Ban Soạn thảo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã cập nhật và tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự kiến điều chỉnh ngay một số nội dung được cho là hợp lý. Điển hình như: Về thời lượng học tập, trước ý kiến góp ý cho rằng mặc dù thời lượng học tập của học sinh theo chương trình mới đã giảm so với chương trình của các nước và thấp hơn chương trình hiện hành (thời lượng học tập của mỗi học sinh Việt Nam theo dự thảo nhiều nhất là 6.957 giờ, so với các nước là 7.390 giờ), song vẫn còn nặng.
Tiếp thu ý kiến này, đại diện Ban Soạn thảo dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định quốc gia không tổ chức dạy môn thế giới công nghệ ở lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy môn tin học và tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Điều chỉnh này cũng nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu triển khai. Ngoài ra, số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.
Về tiến độ thực hiện chương trình, trước nhiều ý kiến từ dư luận, ngày 30-5, tại cuộc làm việc về các vấn đề liên quan tới việc triển khai chương trình mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã lưu ý Bộ GD-ĐT về tiến độ triển khai, với tinh thần khẩn trương nhưng chắc chắn, bảo đảm chất lượng phải được đặt lên trên hết.
Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đang tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến đóng góp về toàn bộ các nội dung của chương trình, sách giáo khoa mới. Đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để xem xét, bàn thảo từ đó sẽ đưa ra phương án cụ thể, trong đó có phương án phân luồng; số môn học tự chọn, bắt buộc; dạy học ngoại ngữ, tin học; phương pháp dạy học STEM về những kiến thức khoa học công nghệ có ứng dụng phổ biến trong thực tiễn…
Khẳng định ngành Giáo dục đang nỗ lực cao nhất để có thể triển khai chương trình, sách giáo khoa mới vào năm học 2018-2019 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020 để có thêm thời gian chuẩn bị, bảo đảm hiệu quả triển khai.
Thống Nhất (Báo Hà Nội Mới)