Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc biên soạn, thực hiện chương
trình, sách giáo khoa mới phải chấp hành nghiêm nghị quyết của Quốc hội
nhưng trên hết là phải bảo đảm chất lượng. "Đây là vấn đề liên quan đến
nền giáo dục nước nhà, vì vậy, chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc
chắn. Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng, điều kiện
thực hiện thì Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị lùi thời
điểm thực hiện".
Ngày 30/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới
chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào
tạo (GD&ĐT).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết hiện
nay công tác biên soạn và các công việc chuẩn bị điều kiện thực hiện
chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) đang được triển khai hết sức
tích cực.
Chương trình, SGK mới phải khả thi, thực hiện được ngay
Không chỉ tiếp thu ý kiến đóng góp tại nhiều hội thảo, trên các diễn
đàn, báo chí, Ban Phát triển CT giáo dục phổ thông tổng thể đã trực tiếp
gửi dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến cụ thể của các
chuyên gia, nhà khoa học, các sở GD&ĐT, giáo viên, người dân, học
sinh...
Các ý kiến đóng góp đã được trao đổi trên tinh thần khách quan, khoa
học nhằm mục tiêu xây dựng CT giáo dục phổ thông tổng thể hiện đại, tiếp
cận xu thế quốc tế nhưng vẫn tránh quá tải cho học sinh; thiết kế các
môn học và hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp cao ở các lớp học
dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng giáo dục hướng nghiệp,
phân luồng…
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT giáo dục phổ thông mới khẳng
định: Dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể được xây dựng theo hướng
mở, bảo đảm thống nhất những nội dung cốt lõi, bắt buộc với học sinh
toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương,
nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và
triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế.
"CT, SGK mới phải bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện ngay trong
điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất hiện có và khả năng vận dụng linh
hoạt của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc", Bộ trưởng
Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần
thiết nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo
CT mới, đồng thời tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên và bắt tay ngay
vào việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và điều chỉnh phương pháp dạy học
chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực
để giáo viên làm quen dần với những điểm mới chứ không chờ đến khi có CT
mới, SGK mới.
Chất lượng là trên hết
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ
GD&ĐT trong triển khai thực hiện đổi mới CT, SGK thời gian qua, đặc
biệt là Ban Phát triển CT giáo dục phổ thông tổng thể đã lấy ý kiến đóng
góp của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên và các tầng lớp nhân
dân trên tinh thần cầu thị, khoa học.
Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp với khối lượng công việc nhiều
và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Trong quá trình dự thảo và lấy
ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, có những quan điểm
khác nhau, trái chiều thì phải lắng nghe, chắt lọc để tiếp thu, đồng
thời giải thích, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội.
"Tinh thần là phải chấp hành nghiêm nghị quyết của Quốc hội nhưng
trên hết là phải bảo đảm chất lượng. Đây là vấn đề liên quan đến nền
giáo dục nước nhà, vì vậy, chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc
chắn. Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng, điều kiện
thực hiện thì Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ xem xét, kiến nghị lùi thời
điểm thực hiện so với lộ trình đề ra trong nghị quyết của Quốc hội",
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Đối với những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, Bộ GD&ĐT sẽ
tiếp tục tổ chức các chuyên đề, hội thảo chuyên sâu với sự tham gia của
các chuyên gia, nhà khoa học như phương án phân luồng; số môn học tự
chọn, bắt buộc; dạy học ngoại ngữ, tin học; phương pháp giáo dục STEM về
những kiến thức khoa học công nghệ có ứng dụng phổ biến trong thực tiễn
nhằm hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh; mức độ tự chủ của các
trường, địa phương; quan điểm đa dạng, cởi mở trong biên soạn SGK...
Khẳng định ngành giáo dục đang hết sức tích cực, nỗ lực cao nhất để
có thể triển khai CT, SGK mới vào năm học 2018-2019 theo đúng nghị quyết
của Quốc hội, tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng nếu lùi thời
điểm thực hiện 1 năm thì sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác
biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các CT môn học và hoạt động giáo dục;
biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; tập huấn, bồi dưỡng giáo
viên; huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, góp phần
thực hiện tốt chủ trương một CT nhiều SGK. /.
Theo chinhphu.vn