Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 7/2/2012 20:11'(GMT+7)

Huyện Điện Biên (Tỉnh Điện Biên): Chuyển đổi mạnh trong sản xuất nông nghiệp

Lễ bàn giao máy nông cụ cho bà con nông dâ. Ảnh: QK

 

Huyện Điện Biên là trọng điểm vùng kinh tế động lực của tỉnh, với nỗ lực, bền bỉ thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua, Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã làm chuyển biến sâu sắc từ nhận thức : chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới thành hành động, trở thành mệnh lệnh của cuộc sống. Từ tiềm năng lợi thế, trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, sử dụng và khai thác có hiệu quả tài nguyên, đất đai, lao động, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng đô thị, cụm xã. Ngày 15/8/2002, cụ thể hóa Nghị quyết trung ương 5 (khóa IX) Ban chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng chương trình hành động: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. Bằng các chương trình đề án với giải pháp thiết thực khả thi: Tổ chức các mô hình sản xuất theo các dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN, tổ chức nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trang bị cho nhân dân các kiến thức sản xuất, chăn nuôi, khuyến khích, hỗ trợ nông dân lúa giống, cây giống ăn quả, cây công nghiệp. Nhiều mô hình lúa lai, ngô lai, chăn nuôi gà thả vườn, cây ăn quả đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Là người gắn bó với nông nghiệp, sâu sát trải nghiệm thực tế cùng bà con nông dân, ông Vũ Kiệm nguyên Phó Chủ tịch huyện Điện Biên kể lại : Cũng đồng ruộng này, những năm 90 của thế kỷ XX đất đai còn hoang hóa nhiều, năng suất thấp, Điện Biên thiếu đói lương thực, thóc gạo phải chuyển từ xuôi lên hoặc từ bên Lào mang sang, bữa ăn của đồng bào chưa no, còn độn sắn độn ngô... Ngày nay trên địa bàn huyện chẳng những đáp ứng thỏa mãn nhu cầu lương thực mà lương thực đã trở thành hàng hóa. Năm 2011 tổng sản lượng lương thực đạt hơn 84.500 tấn, bình quân đạt hơn 760 kg/người - huyện dẫn đầu toàn tỉnh về bình quân lương thực. Điểm mạnh nhất phải nói tới liên tục nhiều năm qua là việc sử dung cơ cấu giống mới mở rộng đạt trên 90% diện tích với tập đoàn lúa chất lượng cao: IR64, Bắc Thơm số 7, Hương Thơm số 1, Nếp 352, Nếp 97, Tám thơm, Nghi hương .. Hạt gạo Điện Biên nổi tiếng hôm nay là kết quả trình lao động chuyên cần ứng dụng tiến bộ KHKT của nông dân và lương tâm, trách nhiệm những người làm khoa học nông nghiệp gắn bó với ruộng đồng Mường Thanh. Du khách về thăm Điện Biên lịch sử bị sẽ níu kéo kéo bởi hạt gạo Mường Trời. Loại gạo nào khi nấu lên thơm dẻo, đậm đà và hạt gạo Mường trời đã cùng du khách vươn xa tỏa đi tới muôn phương. Với "Cuộc chiến " XĐGN hiện nay toàn huyện đã có hơn 9 ngàn hộ khá, giàu chiếm hơn 35%, với 800 trang trại vừa và nhỏ từ các mô hình chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ, kinh tế trang trại, nghề phụ, chẳng những đã giải quyết việc làm cho 4 đến 5 ngàn lao động mà còn tăng thu nhập cho nông dân Nhiều hộ gia đình đã trở thành triệu phú, tỷ phú có mức thu nhập bình quân 150 đến 200 triệu đồng/ năm, khuyến khích mọi người học tập và làm theo.

Ngày hội văn hoá các dân tộc huyện Điện Biên. Ảnh: QK


Điển hình như các hộ gia đình: Lù Văn Dạ (Mường Pồn), Lò Văn Xôm (Thanh Nưa), Vàng A Sử (Nà Nhạn), Lò Văn Pâng (Nà Tấu), Nguyễn KimThắng (Thanh Yên)... Về Điện Biên hôm nay ta thấy vui hơn khi thực hiện từng bước cơ giới hóa trong các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, chế biến nông sản, thực phẩm trở thành việc làm thường xuyên, chẳng những giải phóng sức lao động mà điều quan trọng hơn làm giảm chi phí ban đầu, tăng giá trị thu nhập trên diện tích sử dụng. Phải khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... như "luồng gió mới" trong lao động sản xuất của người dân trên cánh đồng Mường Thanh lịch sử. Do sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, động viên nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội với sự tham gia đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhất là các công trình phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng… theo phương châm: từng công trình phải được thẩm định kỹ càng , giám sát, dân chủ, công khai. Đảm bảo xã, bản có công trình, dân có có việc làm và được thụ hưởng thành quả xây dựng.

Hiện nay 4 trung tâm cụm xã: Mường Phăng, Mường Nhà, Noong Hẹt, Nà Tấu ; cụm công nghiệp Sam Mứn - Núa Ngam; trụ sở, trường học 19/19 xã được xây dựng kiên cố, 100% xã có đường ô tô, có điện lưới quốc gia, hơn 90% số hộ được sử dụng điện cho sinh hoạt và sản xuất, 98% số hộ được phủ sóng truyền thanh truyền hình... Về Điện Biên hôm nay tận mắt chứng kiến các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, cây ăn quả, rau mầu, chăn nuôi lợn và gia cầm mang lại giá trị thu nhập cao ở 10 xã vùng lòng chảo : Thanh Chăn, Thanh Yên, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Xương, Sam Mứn... Vùng phát triển cây ngô, lạc ở Nà Tấu, Mường Lói, Mường Nhà. Vùng phát triển chăn nuôi trâu bò ở Mường Nhà, Núa Ngam, Mường Lói. Vùng phát triển cây công nghiệp ở Thanh Nưa, Mường Pồn với hơn 1000ha cao su. Vùng phát triển nghề truyền thống dệt, thổ cẩm, mây tre đan ở Pa Thơm, Thanh An, Thanh Nưa, Thanh Luông... Thành quả chung trong đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện có công sức đóng góp xứng đáng của: Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm, Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm tư vấn hỗ trợ và giải quyết việc làm, Phòng Lao động Thường binh - Xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội và Hội nông dân huyện đó là người bạn của nhà nông đã kề vai sát cánh trong "cuộc chiến" chống đói nghèo lạc hậu vươn lên làm giàu chính đáng.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT để người dân có điều kiện XĐGN, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế thì việc chăm lo cho con người, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Năm 2011 công tác giáo dục đào tạo với những chuyển biến tích cực tỷ lệ học sinh chuyển lớp cấp Tiểu học đạt 98,5%; cấp Trung học cơ sở đạt trên 90%; tốt nghiệp THPT đạt trên 70%. Hiện nay huyện có 18 điểm bưu điện văn hóa xã, 43 cụm thu phát sóng truyền thanh đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Gần 350 thôn bản, cơ quan đơn vị trường học và hơn 17 ngàn hộ gia đình được công nhận đạt danh hiệu văn hóa. Khách du lịch đến Điện Biên ra về sẽ nhớ mãi : Bản Mển, Co Mỵ, Ten A, Hồng Lếch Cang, Mường Phăng với các món ăn , hàng thổ cẩm, điệu múa xòe, múa sạp, múa nón .. hấp dẫn mang đậm sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Chưa phải đã hết nghèo, nhưng những thành tích - sự chuyển mình quan trọng trong lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động của đồng bào các dân tộc trong huyện về: chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, thực hiện sản xuất hàng hoá, hình thành vùng sản xuất hàng hoá, từng bước cơ giới hóa, xóa đói giảm nghèo, vươn tới ấm no, giàu có , xây dựng đời sống văn hóa thực sự là kinh nghiệm quý. Diện mạo mới bức tranh "Tam Nông" huyện Điện Biên đang khởi sắc hòa quyện với nắng ấm đang lên, một mùa xuân mới đang về trên cánh đồng Mường Thanh lịch sử, trù phú. Bên tai tôi vẳng nghe câu hát: Ai lên Điện Biên cùng em sánh đôi, Gạo thơm cơm trắng cùng em đón mời...

Đỗ Quang Khải (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất