Việc các cường quốc và I-ran mới đây đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran sau nhiều năm đàm phán căng thẳng đã mở ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế I-ran.
Triển vọng lớn đối với nền kinh tế I-ran
Theo thỏa thuận mà I-ran và Nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đạt được ngày 14/7 vừa qua, I-ran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt lên quốc gia Hồi giáo này sẽ được dỡ bỏ.
Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho các mối quan hệ quốc tế, đẩy lùi nguy cơ xung đột bùng phát ở khu vực Trung Đông. Với riêng I-ran, việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận sẽ tạo điều kiện cho quốc gia này đẩy mạnh “đặc sản” dầu khí, thu hút đầu tư nước ngoài, đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn và mở rộng ảnh hưởng về kinh tế trong khu vực.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của I-ran năm 2014 là 406,3 tỷ USD và I-ran hiện vẫn được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, chỉ đứng sau A-rập Xê-út. Tiềm năng phát triển của I-ran chủ yếu nằm ở ngành công nghiệp dầu mỏ, với trữ lượng dầu mỏ chiếm khoảng 10,9% trữ lượng toàn cầu.
Tuy nhiên, bước tiến của nền kinh tế I-ran đã vấp phải vô số rào cản sau nhiều năm gần như bị cô lập bởi các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, ngoại trừ các công ty kinh doanh các mặt hàng y tế và thực phẩm, tất cả các doanh nghiệp Mỹ đã chấm dứt làm ăn với I-ran. Các ngân hàng của I-ran cũng không được phép giao dịch với thế giới bên ngoài.
Nhưng với thỏa thuận vừa đạt được, tình thế có thể sẽ thay đổi hoàn toàn. Bức tường ngăn cách giữa I-ran, một thị trường quan trọng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, với các nhà đầu tư lớn, có thể sẽ được khai thông. Tờ Bussiness Insider nhận định, các lệnh trừng phạt và rào cản bị gỡ bỏ sẽ giúp con đường chuyển dầu từ I-ran ra thị trường quốc tế trở nên thông thoáng hơn. Ước tính sắp tới, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của I-ran sẽ thu hút khoảng 100 tỷ USD nhờ các hợp đồng mà các tập đoàn dầu mỏ của quốc gia này đang bàn thảo với các tập đoàn năng lượng đa quốc gia.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán của I-ran cũng đang đứng trước hy vọng mở cửa trở lại vào đầu năm 2016 và thu hút một dòng vốn khổng lồ đổ vào đây ngay trong năm đầu tiên.
Emirates NBD PSCJ, ngân hàng lớn nhất ở Đu-bai dự báo rằng, với những triển vọng mở rộng giao thương, phát triển kinh tế như vậy, tăng trưởng của I-ran sẽ đạt 7,9% trong năm 2016. Chỉ riêng hoạt động thương mại với EU cũng sẽ đem lại cho I-ran 30 tỷ ơ-rô trong vòng 3 năm tới. “Tác động của thỏa thuận hạt nhân đối với tiêu thụ nội địa, đầu tư, thương mại ở I-ran là vô cùng to lớn”, ngân hàng này nhận định trong một báo cáo.
Đó là chưa kể nếu thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và Nhóm P5+1 được thực thi, I-ran sẽ nghiễm nhiên được tiếp cận số tài sản bị đóng băng trị giá hơn 100 tỷ USD của nước này.
Người dân và doanh nghiệp phấn khởi
Với người dân I-ran, thỏa thuận hạt nhân vừa đạt thực sự là một dấu mốc đáng nhớ và họ tỏ ra khá lạc quan về tương lai cuộc sống của mình sau khi các biện pháp cấm vận kinh tế được dỡ bỏ.
Thực tế cho thấy những năm qua, đời sống của người dân I-ran đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biện pháp cấm vận. Ví dụ điển hình nhất là nhập khẩu bị hạn chế, khiến cơ hội tiếp cận với những mặt hàng thiết yếu của người dân, đặc biệt là thuốc men, bị giảm đi đáng kể.
Cũng vì thế mà ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran và Nhóm P5+1 chính thức được công bố, người dân I-ran trên cả nước đã nô nức đổ ra đường phố reo hò ăn mừng. “Tôi thấy hạnh phúc cho con tôi, cho thế hệ sau, chúng sẽ được sống trong hoàn cảnh tốt hơn”, ông Mô-ham-mát (Mohammad), một người dân thủ đô Tê-hê-ran hào hứng cho biết.
Nói về tâm tư của người dân I-ran sau khi có thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử, Xtê-phen Mai (Stephen Miles), phụ trách truyền thông ở Trung tâm Chính sách quốc tế (Mỹ), cho rằng: “Họ muốn có iPhone của Apple, muốn có máy tính và các công nghệ mà họ đã bị không thể có từ lâu nay”.
Không chỉ người dân mà các doanh nghiệp I-ran cũng đang như “mở cờ trong bụng”. “Đối với công ty chúng tôi, đó sẽ là một cuộc sống mới. Mặc dù cần nhiều phụ tùng thay thế từ Mỹ nhưng chúng tôi đã phải mua ở chợ đen với giá rất cao. Giờ thì trong tương lai gần, chúng tôi có thể tiếp cận các mặt hàng này một cách bình thường”, một công nhân làm việc trong lĩnh vực điện tử ở thủ đô Tê-hê-ran nói với tờ The Guardian của Anh./.
Trung Dũng (QĐND)