Đình làng Việt
|
Bởi vậy, mới đầu năm, đã có đoàn du khách từ xa đến thăm. Thủ từ đình làng lại được một ngày bận rộn đón, đưa du khách, trong lòng tràn ngập niềm vui vì đình làng ta đã danh bất hư truyền.
Du khách bị cuốn hút ngay từ phút đầu thấy đình An Đông đồ sộ, có bộ mái xòe ra như cánh phượng. Trên đỉnh nóc, đôi rồng uốn mình chầu mặt nguyệt cùng các bờ be tách mái có long, ly, quy, phượng, được chế tác tinh xảo, đứng đó oai nghiêm trầm mặc nổi bật trên nền trời cao lồng lộng. Thấy đầu đao ở góc đình mang dáng rồng cuồn cuộn vút lên như đang đưa cả tòa đình bay qua lũy tre làng. Tất cả ngôi đình nhuộm một màu rêu phong mộc mạc như mách bảo với khách - ngôi đình làng An Đông đứng đó đã 500 năm có lẻ.
Đoàn du khách lại hối hả vào nội đình, lập tức được sống trong một cõi mơ. Họ ngỡ ngàng trước những cây cột đình to cao, nhiều cái phải ba bốn người ôm mới xuể, nói như một nhà nghiên cứu kiến trúc truyền thống, cột ở đây là lim, thứ gỗ sắt đinh lại, giờ chỉ còn trong các câu chuyện cổ. Những cây cột kiên trung không một chút ngả nghiêng làm nên tòa đình vững trãi, cùng với những câu chuyện dài bất tận về con người An Đông lập làng, dựng đình từ cái thuở nơi này còn hồng hoang biệt lập giữa vùng đất quanh năm ngập lụt. Những câu chuyện ấy đầu đuôi không có, vừa lạ vừa quen nhuốm phần kỳ bí, miên man chạy dài bằng đường nét, hình khối tầng tầng lớp lớp trau chuốt tinh tường trên những danh xưng câu đầu, đầu dư, xà ngang, xà nách, thượng lương, cửa võng v.v... cho ta thấy cả thế giới trời sao, non nước cỏ cây hoa lá, chim thú muôn loài, rồng, phượng múa may oai phong lẫm liệt.
Tất cả cứ thực, hư huyền ảo lạ thường. Đưa người ta đến nhiều cung bậc cảm xúc lúc mượt mà êm ái, bất chợt bùng lên cuốn vào cảnh trận chiến một mất một còn giữa người và hổ. Rồi hùng dũng cùng tráng sĩ, tay gươm, mình trần trên voi chiến, ngựa chiến ầm ầm binh mã mang hào khí non sông đi đánh giặc. Lại thấy cờ mở trống giong, hội làng đánh vật, múa lân múa rồng tưng bừng náo nhiệt. Thật lý thú xem cái cảnh mấy anh hơi men quá chén ngả nghiêng, chưa hết vui bỗng rầu lòng trước cái cảnh bi ai trong một khúc ghen tuông được diễn tả vô cùng sống động. Và có những phút lắng đọng con tim trước câu đối, đại tự đầy chữ nghĩa của người xưa ,.. Cảnh cũ người xưa là thế. Du khách không cầm lòng được, có người sờ lên hiện vật mà thốt lên - Trời ơi, mọi cái ở đây cứ như từ đấng thần linh sinh ra. Quả là như thế không bái phục mới là chuyện lạ.
Không khí trong tòa đình càng ồn ào náo nhiệt, bao nhiêu lời hay ý đẹp của du khách về đình làng An Đông. Máy ảnh, quay phim, điện thoại di động trong tay mỗi người đua nhau chớp giật. Họ cố gắng ghi lại những gì họ thấy.
Cụ thủ từ đã quá quen tai được ngợi ca về những giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật đình làng An Đông của khách đến, khách đi dập dìu diễn ra hàng tháng, hàng năm như thế này. Phải chăng, đây cũng là cái lộc của đình làng cho cụ để nương dưỡng tuổi già!
Vui đến mấy cũng đến lúc "Quan họ" ta phải về. Cụ thủ từ tiễn khách bằng chén trà thơm của người làng An Đông, tại gian trái cũng là nơi dừng chân cuối cùng của du khách trong một chuyến đến thăm đình. Chủ, khách quây quần bên nhau. Người đứng thì dựa vai, người ngồi dựa lưng vào cột đình tha hồ chuyện trò thư giãn. Bất chợt, mọi con mắt đều hướng lên thanh xà ngang áp mái trước mặt có gắn mấy tranh điêu khắc gỗ, tả về phong tục tập quán, sinh hoạt của người An Đông. Họ tỏ ra ngứa ngáy con mắt, cụ thủ từ hiểu ý khách muốn nói gì về những bức tranh này nên đỡ lời: Đó là những bức tranh sinh ra cùng thời với đình làng tôi đấy. Hình như các bức tranh biết nói đã chạm vào sự lịch lãm đang khoác lên người họ, thành ra mới có:
- Cụ ơi, ảnh gì mà người ngợm lõa lồ...
- Không phải ảnh mà là tranh khắc gỗ.
- Tranh ảnh cũng như nhau, toàn là người thô kệch, hở hang.
- Đúng, không xứng với ngôi đình này!
- Thì phong kiến đế quốc cũ rích mà lị.
- Thưa Cụ! Tranh Đông Hồ đẹp thế sao làng ta không mang về thay quách mấy tranh ảnh nhảm nhí này đi.
Kẻ nói ngang, người nói ngược.... biến thành cuộc “hội thảo” bất đắc dĩ cứ như từ trên trời giáng xuống. Cụ thủ từ, chịu trận thay làng. Mặt mày tái nhợt. Chưa biết ý khách hay dở thế nào, cứ nhìn vào dãy tranh khắc gỗ trên kia, bức tranh đầu mục đồng thổi sáo. Bức thứ hai chồng cày vợ cấy, kế đến là cảnh để mả hàm rồng. Cuối cùng là bức tranh trai gái đùa cợt nhau và cảnh tắm trong đầm sen. Cũng nên nói đôi điều về mấy bức tranh này, mà người nói hơn ai hết chính cụ thủ từ đang có mặt ở đây. Cụ bảo, mỗi tranh không to quá nửa mét vuông, dày 3 tấc bằng gỗ mít. Dân gian có câu: Người làm sao của bao làm vậy. Bởi thời ấy, dân ta có mấy người biết chữ, cả đời cổ cày vai bừa, còn áo quần ư, đến đời bố cụ vẫn phải đóng khố cởi trần quanh năm đấy, còn con gái, đàn bà thì yếm thủng tày dần, cái váy ba tấc quấn quanh vá chằng và đụp. Thế mới thấy những người trong tranh này toàn cục mịch gân guốc, được cái, ai cũng thích cười đùa tếu táo.
Xét thời nay ăn mặc như thế đúng là lõa lồ thật.
Cụ thủ từ lắng nghe những câu hỏi khó, nhớ đến các bậc tiền nhân lại nghĩ đến mình nay đã ở cái tuổi quá thất thập cổ lai hi, ba đời làm nghề tràng sơn. Cái đình đây như dây dợ buộc chặt tâm hồn cụ, vui buồn đâu có kể. Từ khi cụ sinh, dưỡng đến tuổi này bị hai lần đau nhức nhối tâm can thấy đình.
Lần thứ nhất, Pháp thua trận Điện Biên Phủ, cho quân chất rơm rạ đốt đình An Đông, dân làng xả thân cứu đình. Lần hai, Mỹ ném mấy quả bom xuống làng, đình bị bay mất mái, cột biểu tiền đình tan nát, sau việc ấy cụ nhập ngũ đi đánh giặc. Cụ không được cầm súng lại tay cưa tay đục làm hầm hố. Hết giặc, cụ về làng cũng là lúc không còn tuổi lao động, thấy đình xập xệ, cụ xung phong nhận chân giữ đình. Đình hỏng đâu, cụ sửa đấy, hỏng lớn kêu chính quyền, cậy nhờ dân cùng nhau tu bổ. Đình đứng được tới ngày nay là cái phúc lớn của dân làng An Đông. Cụ ngẫm nghĩ mấy bức tranh khắc gỗ trên kia mà thấm lệ cho cha ông làng An Đông. Cái thời đúng là phong kiến đế quốc thật, ăn chưa no lấy đâu ra lụa là như bây giờ. Mọi người trẻ già trai gái một mảnh vải che thân cũng là may mắn lắm. Nếu theo các vị ngồi đây đang phán truyền thì làng An Đông phải viết lại lịch sử làng hay sao?
Điểm nắng ngoài kia đã hết. "Quan họ" ta lục tục ra về. Có mấy người trong đoàn ngồi nán lại nắm tay cụ - chúng con đã đắc tội, xúc phạm tới đình ta, tới cụ! - Xin cụ nhận cho ba lạy của chúng con! Họ chắp tay cúi đầu có cả tiếng khụt khịt buồn bã lắm.
Chia tay cụ thủ từ, trên đường đi, họ nói với nhau người xưa dạy "Biết thì thưa thớt, không biết cứ dựa cột mà nghe" chí lý thật!
Họa sĩ NGÔ BÌNH THIỂM