Theo những nghiên cứu gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam, vấn đề cần cảnh báo hiện tại trong xã hội là những biểu hiện lệch
lạc, hiểu sai về hệ giá trị văn hóa.
Theo các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hệ giá trị
văn hóa hay giá trị con người là một tập hợp các giá trị, được thể hiện
dưới dạng các phẩm chất, nguyên tắc, lý tưởng, và cả các triết lý, được
biểu hiện, đánh giá theo góc độ văn hóa.
Hệ giá trị văn hóa giúp cho mỗi
cá nhân và cả cộng đồng định hướng các hành vi, hoạt động của mình.
Nhưng hiện nay nền tảng giá trị văn hóa đó của một bộ phận người dân
đang ảnh hưởng xấu do những tác động bởi nhiều yếu tố tiêu cực như các
biểu hiện lệch chuẩn, suy thoái đạo đức, suy giảm niềm tin.
Có thể thấy điều đó qua một số vụ việc tiêu
cực được báo chí đề cập thời gian vừa qua, đó là việc người nhà đánh
bác sĩ; những người có trách nhiệm của ngành giáo dục ở các tỉnh: Hà
Giang, Sơn La, Hòa Bình "phù phép" giúp nhiều bài thi có điểm số cao với
mục đích đưa thí sinh vào đại học; hay giáo viên ở một số địa phương có
những việc làm không đúng mực, xử phạt học sinh đi ngược lại các nguyên
tắc sư phạm, vi phạm đạo đức người thầy giáo... có những người trẻ
thích ăn chơi sử dụng "hàng cấm" để có cảm giác mạnh, nhưng khi không
kiểm soát được lại trở thành tội phạm giết người.
Theo những nghiên cứu gần đây của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam, vấn đề cần cảnh báo hiện tại trong xã hội là những biểu hiện lệch
lạc, hiểu sai về hệ giá trị văn hóa. Thói vụ lợi và thực dụng thông qua
mặt trái kinh tế thị trường đã làm cho không ít người trở nên tôn sùng
quá mức các giá trị vật chất; so sánh, đối chiếu mọi thứ thông qua đồng
tiền. Thói giả dối, chuộng hình thức phổ biến ở một bộ phận xã hội và
phổ biến trong các lĩnh vực đời sống, đôi khi còn lấn át sự tử tế và
chân thật.
Các giá trị bị nhận thức sai, thể hiện ở sự đánh giá như giữa
danh và thực; giữa thành quả lao động chân chính và sự giàu có khuất
tất; giữa quyền lực, địa vị, tiền bạc với tình người; thói phô trương
với đức khiêm tốn; sự vô cảm và lòng vị tha tất cả là sự lệch lạc về
bảng giá trị.
Từ khủng hoảng giá trị dẫn đến mất niềm tin và định hướng,
đó là lý do quan trọng của tình trạng xuống cấp đạo đức cùng những
khủng hoảng giá trị và niềm tin. Ngay cả ở những người nghề nghiệp vốn
được xã hội coi trọng, xem là cao quý như nghề giáo cũng đang có những
biểu hiện xuống cấp về mặt đạo đức từ những lý do này.
Trong đời sống xã hội, nhiều khi những điều giả dối dường như lại trở
thành bình thường, làm nản lòng những người coi trọng sự trung thực. Sự
thay đổi thói quen, phong tục, tập quán cũng trong vòng quay như vậy.
Những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc giờ đây bị thách thức bởi
những thói quen mới được ra đời từ cuộc sống giàu sang và tiện nghi hơn,
bị quyến rũ bởi những thông tin về sai lệch đến từ các giá trị, lối
sống lai căng bên ngoài. Điều này dường như còn được làm đậm hơn bởi
những "người của công chúng" khi đưa ra những ca khúc phản cảm với những
ca từ nhảm nhí, lối sống tạo dư luận để nổi tiếng bằng mọi giá, bất
chấp những thuần phong, mỹ tục.
Những điều này dễ làm thế hệ trẻ lạc lối
trong việc xác định mục tiêu, lý tưởng cũng như phong cách sống. Thói
đua đòi, chạy theo phong cách thời trang, nghệ thuật không phù hợp với
chuẩn mực đạo đức dân tộc, coi thường lao động chân chính, phần nào làm
cho họ càng thêm mất định hướng.
Sự lệch lạc trong nhận thức giá trị còn
thể hiện ở hiện trạng mê tín, dị đoan, cầu tài, lợi cho cá nhân và qua
những hành vi khó coi, hiện tượng tổ chức cúng sao, giải hạn thu tiền;
rồi đến lễ hội "tranh cướp lộc" và tràn ngập các hình ảnh phản cảm, bạo
lực.
Theo TS. Trần Thị Thu Nhung, Khoa Quản lý Văn hóa (Trường đại học Văn
hóa Hà Nội), việc nhận diện, xác định, đánh giá thực trạng giá trị đạo
đức xã hội là việc không dễ, rất khó đề cập thỏa đáng. Ngoài việc các
hiện tượng, các chiều hướng tích cực và tiêu cực đan xen lẫn nhau gây
hoài nghi trong đánh giá còn là việc trách nhiệm xã hội qua đánh giá về
những người thật sự phải chịu trách nhiệm về sự xuống cấp của các giá
trị đạo đức xã hội.
Việc uốn nắn, giải quyết hay chịu trách nhiệm về các
vấn đề giá trị đạo đức xã hội thường lại không phải việc riêng của một
ngành, một lĩnh vực, một cơ quan chuyên biệt hay một cá nhân... Không
thể không kể đến các hoạt động giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa,
tạo nên các giá trị mới, hiện đại phù hợp đời sống hiện đại, gần gũi hơn
với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó là đời sống văn hóa của nhiều tầng
lớp dân cư được nâng cao về chất lượng. Ở khá nhiều loại hình thuộc
hoạt động văn hóa, hệ giá trị văn hóa đã không còn lạc lõng, khoảng cách
được thu hẹp. Thậm chí, ở nhiều hoạt động, bao gồm: văn hóa biểu diễn -
tổ chức các sự kiện, văn hóa thời trang, văn hóa hội thảo, văn hóa du
lịch, Việt Nam đã không còn thua kém bao nhiêu so với các nền văn hóa có
kinh nghiệm; thậm chí ở một số hoạt động cụ thể, còn tỏ ra nhanh nhạy
không thua kém các nước có nền kinh tế phát triển.
Từ sự nhìn nhận về thực trạng nêu trên, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Viện
trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Cần quan tâm
hơn đến vai trò của nghệ thuật trong việc xây dựng hình tượng con người
mới, xác định những giá trị xã hội mới được xã hội tôn vinh cùng với xây
dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả các ngành
nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phát huy vai trò của các phương tiện
truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống
đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội, và hình thành một dư luận xã
hội ủng hộ các giá trị chân - thiện - mỹ.
Hơn nữa, muốn cho đất nước
phát triển bền vững, văn hóa trở lại với các chân giá trị, thì mỗi cá
nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những chiều
ngược lại của giá trị này./.
Ninh Cơ (nhandan.com.vn)