Thứ Bảy, 28/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 20/10/2012 8:2'(GMT+7)

I-ran đương đầu "cuộc chiến kinh tế" của phương Tây

Một cửa hàng tạp hóa ở I-ran.   ( Ảnh: AFP )

Một cửa hàng tạp hóa ở I-ran. ( Ảnh: AFP )

 

Kể từ năm 2006 đến 2010, Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt bốn lệnh trừng phạt đối với I-ran nhằm gây sức ép buộc Tê-hê-ran ngừng chương trình làm giàu u-ra-ni mà phương Tây nghi ngờ là để chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhiều năm liền, Mỹ và EU đơn phương áp đặt và siết chặt các lệnh trừng phạt quốc gia này. Theo các nhà kinh tế, "đòn" trừng phạt của phương Tây đã làm đồng nội tệ I-ran mất tới một phần ba giá trị so với đồng USD trong thời gian gần đây. Tình trạng này dẫn tới việc người dân đổ xô đi đổi ngoại tệ bất hợp pháp và đã xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình tại Thủ đô Tê-hê-ran. Việc Ngân hàng trung ương I-ran phải liên tục in thêm tiền khiến lạm phát tăng với tốc độ phi mã, khoảng 25%/năm.

Kể từ khi lệnh trừng phạt của EU nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ I-ran có hiệu lực từ ngày 1-7, số khách hàng mua "vàng đen" của nước này giảm, chỉ còn một triệu thùng/năm trong 12 tháng qua, gây thiệt hại cho Tê-hê-ran 133 triệu USD/ngày. Việc Mỹ quyết định trừng phạt bất kỳ ai thanh toán tiền mua dầu mỏ của I-ran thông qua Ngân hàng trung ương nước này đã cản trở việc thu ngoại tệ từ bán dầu mỏ của Chính phủ I-ran. Tê-hê-ran buộc phải nhận tiền thanh toán của những nước mua nhiều nhất là Trung Quốc và Ấn Ðộ bằng đồng nội tệ của các nước này, song lại phải dùng ngoại tệ của mình để thanh toán hàng hóa và trang thiết bị của hai nước này. Dự trữ ngoại tệ của I-ran giảm từ 120 tỷ USD năm 2011 xuống chỉ còn 50 tỷ USD hiện nay. Ngay cả các công ty được cấp phép nhập khẩu lương thực và thuốc men cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các ngân hàng của nước thứ ba để tiến hành giao dịch. Ðiều này tác động tiêu cực đời sống người dân và các hoạt động nhân đạo. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ tăng trưởng của I-ran đạt 2% năm 2011 và con số này sẽ giảm còn 0,4% trong năm nay. Kinh tế khó khăn kéo theo các hoạt động kinh doanh giảm sút. Nhiều hãng hàng không nước ngoài, trong đó có AirAsia của Ma-lai-xi-a và BMI của Anh mới đây tuyên bố giảm và ngừng các chuyến bay đến I-ran.

Trước áp lực của phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế I-ran, Tê-hê-ran áp dụng chính sách "kinh tế thời chiến" nhằm giảm tác động của các lệnh trừng phạt. I-ran cắt giảm chi tiêu ngân sách và tăng cường sản xuất trong nước nhằm nâng cao khả năng "tự cung tự cấp" để tránh phụ thuộc vào "vàng đen". Tổng thống I-ran M.A-ma-đi-nê-giát cáo buộc phương Tây phát động "cuộc chiến kinh tế" chống nước này. Ông A-ma-đi-nê-giát cho biết, doanh thu từ dầu mỏ của I-ran đã sụt giảm vì các lệnh trừng phạt, nhưng chính phủ nước này đang nỗ lực tìm ra lối thoát. Ông A-ma-đi-nê-giát cũng cáo buộc phương Tây gây "chiến tranh tâm lý" nhằm tăng sức ép lên lĩnh vực kinh tế và tài chính của I-ran, khiến đồng nội tệ nước này giảm giá. Theo ông, do áp đặt những "điều kiện phi thực tế" lên thị trường tiền tệ, nên tỷ giá không phản ánh đúng thực tế.

Hiện các nghị sĩ QH Mỹ tiếp tục thảo luận việc mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế I-ran, trong đó xem xét phong tỏa 30% dự trữ ngoại tệ của I-ran đang được gửi ở nước ngoài. Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ phương Tây, I-ran khẳng định sẽ không đầu hàng. QH nước này tuyên bố Tê-hê-ran sẽ không thay đổi chính sách hạt nhân của mình bởi các chính sách này gắn liền với lợi ích quốc gia.

Thái An-Nhandan0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất