Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 13/1/2015 20:44'(GMT+7)

ILO kêu gọi tăng cường vai trò quản lý, lãnh đạo của phụ nữ

Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Phó phát ngôn viên của Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết báo cáo này là kết quả của công trình nghiên cứu 80 trong tổng số 108 quốc gia nằm trong nguồn dữ liệu của ILO.

Theo báo cáo của ILO, trong 20 năm qua, số phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo từ tầm trung trở lên tại các tập đoàn kinh tế, các tổ chức chính trị, xã hội trên toàn thế giới đã tăng đáng kể.

Tuy nhiên, số phụ nữ đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn, các tổng công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực chỉ chiếm khoảng 5%. Các công ty càng lớn thì tỷ lệ phụ nữ là lãnh đạo càng thấp.

Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia làm việc tại ILO, nhiều phụ nữ rất giỏi kinh doanh, có khả năng lãnh đạo tốt, nhưng không được tạo điều kiện để vượt qua những rào cản”vô hình” và chính họ cũng không thể tự mình vượt qua những rào cản ấy để nắm giữ những vị trí cao hơn trong sự nghiệp.

Bà Deborah France-Massin, Giám đốc cơ quan quản lý hoạt động người lao động của ILO, cho biết tỷ lệ ngày càng tăng số phụ nữ tham gia vào thị trường lao động đã tạo động lực lớn nhất cho tăng trưởng và cạnh tranh toàn cầu.

Bà France-Massin nhấn mạnh: “Có sự liên quan mật thiết giữa vai trò lãnh đạo của phụ nữ với hiệu quả công việc của các cơ sở, tổ chức nơi họ làm việc, tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài để đạt được sự bình đẳng trong lực lượng lao động, đặc biệt là ở các vị trí quản lý cao nhất.”

Báo cáo cho thấy phụ nữ sở hữu và quản lý hơn 30% doanh nghiệp nhưng chủ yếu là các công ty nhỏ. Do đó, việc giúp đỡ phụ nữ phát triển các doanh nghiệp của họ không chỉ giúp thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới mà còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

Bà France-Massin cảnh báo nếu không thực hiện được điều này thì có thể “mất từ 100 đến 200 năm để đạt được mục tiêu bình đẳng nam nữ ở các vị trí lãnh đạo cao nhất.”

Theo kết quả nghiên cứu của ILO, Jamaica là quốc gia có tỷ lệ nữ trong các vị trí lãnh đạo cao nhất với 59,3%, trong khi Yemen đứng cuối bảng xếp hạng với 2%. Mỹ đứng thứ 15 trong danh sách 108 quốc gia dành các vị trí lãnh đạo cho phụ nữ với 42,7%, tiếp theo là Anh (34,2%) và Nga (39,1%).

Nếu tính riêng về quản lý kinh tế, Na Uy là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vai trò điều hành các tập đoàn kinh tế cao nhất với 13,3% và Thổ Nhĩ Kỳ xếp thứ hai với 11,1%.

ILO đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm thu hẹp sự phân biệt giới tính, đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội tạo những thuận lợi nhất để phụ nữ tham gia đông đảo hơn vào mọi hoạt động của đất nước và ưu tiên dành thêm cho họ những chỗ đứng xứng đáng trong các hoạt động ấy.

Bà France-Massinn cho rằng đã đến lúc phá bỏ rào cản “vô hình” và “việc dành cho phụ nữ những vị trí lãnh đạo cao nhất đơn giản sẽ đem lại lợi ích”./. 

(TTXVN)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất