Tại hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12/10, IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cho biết những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo trên, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021
xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7, và giữ
nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%.
Tuyên bố của IMF cho biết dù mức dự báo giảm chung chỉ là 0,1% nhưng
đối với một số nước cụ thể, mức dự báo tăng trưởng giảm mạnh hơn. Cụ
thể, tác động hiện nay của đại dịch COVID-19 và thất bại trong việc phân
phối vaccine trên thế giới đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về
kinh tế và gây ra triển vọng không mấy sáng sủa tại các nước đang phát
triển.
Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi
cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng như thiết bị bán
dẫn, cũng như việc các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu nhân
công vì các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch. Sự bất cân bằng cung -
cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao. IMF dự báo lạm phát sẽ
trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình
trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các dự báo về lạm
phát.
Trong WEO, dự báo tăng trưởng nền kinh tế Mỹ được điều chỉnh giảm
mạnh nhất, từ 7% xuống còn 6% trong năm 2021. IMF cho rằng tăng trưởng
của Mỹ có thể sẽ giảm mạnh hơn nữa vì dự báo lần này giả định rằng Quốc
hội Mỹ sẽ phê chuẩn đề xuất chi tiêu xã hội và hạ tầng trị giá 4.000 tỷ
USD của Tổng thống Joe Biden. Các nghị sĩ Mỹ đang tìm đồng thuận về một
gói chi tiêu nhỏ hơn, nhưng IMF cho biết nếu con số trên giảm bớt sẽ kéo
theo giảm dự báo tăng trưởng ở cả Mỹ và các đối tác thương mại của nước
này.
Báo cáo cũng cắt giảm tăng trưởng của nhiều nền kinh tế công nghiệp
khác. Tăng trưởng của Đức giảm nửa điểm phần trăm xuống còn 3,1% trong
khi con số này của Nhật Bản giảm 0,4 điểm xuống còn 2,4%. IMF dự báo
tăng trưởng ở Anh năm nay giảm 0,2 điểm xuống còn 6,8%, và đây là mức dự
báo tăng trưởng nhanh nhất trong Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát
triển (G7).
Tăng trưởng năm 2021 của Trung
Quốc được dự báo giảm 0,1 điểm xuống còn 8%, theo IMF là nhờ sự phục
hồi nhanh hơn dự kiến của đầu tư công. Dự báo cho Ấn Độ không thay đổi,
hiện là 9,5%. Tăng trưởng của nhóm "ASEAN-5" (gồm Indonesia, Malaysia,
Philippines, Thái Lan và Singapore) được cho là sẽ vào khoảng 2,9%, tăng
so với mức suy giảm 3,4% ghi nhận trong năm 2020 nhưng giảm 1,4 điểm so
với dự báo hồi tháng 7. Sang năm 2022, vùng này được dự báo đạt tăng
trưởng 5,8%.
Riêng tại một số nước xuất khẩu hàng hóa như Nigeria và Saudi Arabia,
IMF tăng nhẹ dự báo tăng trưởng nhờ giá dầu và hàng hóa tăng cao.
IMF cũng cảnh báo sự chênh lệch nguy hiểm về triển vọng kinh tế do
"sự bất cân bằng lớn về vaccine", khi 96% dân số ở các nước có thu nhập
thấp vẫn chưa được tiêm phòng, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong thời
gian dài, nghèo đói gia tăng và nguy cơ lạm phát tăng vọt. Báo cáo nêu
rõ: "Sẽ có thêm khoảng 65 - 75 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng
cực năm 2021, so với dự báo trước khi xảy ra dịch". IMF cũng cho biết
các nước có thu nhập thấp cần thêm 250 tỷ USD để chống dịch và giành lại
mức tăng trưởng kinh tế trước khi bùng phát dịch./.
Bích Liên (TTXVN)