Những ngày cuối cùng của tháng Chín này, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu tiếp tục có các buổi làm việc tại 3 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương về tháo gỡ những nút thắt chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu…
Đây là một trong những giải pháp của Chính phủ trong nỗ lực điều hành chính sách nhằm đưa nền kinh tế vượt qua những "vùng xoáy" để phục hồi và hướng đến mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.
Chuyển biến tích cực
Chín tháng của năm 2023, kinh tế Việt Nam phải đối phó với những "vùng xoáy" từ thế giới và trong nước. Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng; lạm phát vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia.
Ở trong nước, còn nhiều tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản...
Tuy nhiên, với kinh nghiệm trải qua 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, Chính phủ đã bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tính tự chủ, tự lực tự cường; tăng cường hơn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần: đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện... Kinh tế 9 tháng đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tăng trưởng GDP quý 3 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù GDP 9 tháng chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 - thời điểm đáy do COVID-19 - nhưng xu hướng tích cực.
Lực đỡ cho nền kinh tế tiếp tục nằm ở khu vực dịch vụ với giá trị tăng thêm 6,32%. Uớc tính xuất siêu đạt 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD). Tính đến ngày 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực hơn. Trong 9 tháng năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế để đạt được những kết quả này, Chính phủ, cùng các bộ, ngành đã triển khai một loạt giải pháp thích ứng theo từng giai đoạn, hoàn cảnh, trong đó đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, mở rộng hơn với định hướng ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân.
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5-1,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng; cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội…
Một dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng. (Nguồn: TTXVN)
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá chính sách tiền tệ linh hoạt cùng với việc thay đổi lãi suất điều hành thích ứng và tỷ giá hối đoái ổn định đã giúp nền kinh tế dần phục hồi.
Về chính sách tài khóa, Chính phủ đã ban hành các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng theo các Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, Nghị định số 36/2023/NĐ-CP, Nghị định số 41/2023/NĐ-CP; giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết của Quốc hội…
Chính phủ cũng kịp thời ban hành các chính sách, giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững…
Chính phủ cũng đã lập 5 tổ công tác về giải ngân đầu tư công, tập trung đôn đốc hằng tháng các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, điển hình nhất là việc khởi công đồng loạt 12 dự án hạ tầng lớn mang tính liên kết vùng, quốc gia.
Nhờ đó, giải ngân đầu tư công có sự cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, ước thanh toán giải ngân đầu tư công đến hết tháng 9/2023 trên 363.310 tỷ đồng, đạt 47,75% kế hoạch và đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối mặt rủi ro
Chỉ còn tròn 1 quý nữa để Việt Nam nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của năm; trong đó mục tiêu quan trọng nhất là mức tăng trưởng 6,5%. Tuy nhiên, đây được xem làm 1 mục tiêu lớn trong bối cảnh ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro nhất là nguy cơ lạm phát gia tăng vào cuối năm.
Nguy cơ bất ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản chưa thể loại trừ. Doanh nghiệp chưa thể đẩy nhanh phục hồi sản xuất, kinh doanh, ngay cả khi cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu vẫn có thể gặp khó khăn nếu các thị trường lớn trên thế giới rơi vào suy thoái.
Các ngân hàng quốc tế cũng đã đưa ra các dự báo cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 và 2024 và đề xuất các khuyến nghị.
Đây được xem là một trong những cơ sở để Chính phủ xem xét, đưa ra những bước đi trong quý còn lại của năm 2023.
Theo dự báo cập nhật vừa công bố của Ngân hàng UOB (Singapore) trước khi Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2023, các chuyên gia của ngân hàng này duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam là 5,2% và 6% cho năm 2024.
Theo ngân hàng này, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5% trong khi mức tăng trưởng trong nửa đầu năm chỉ là 3,72%, do đó tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ phải đạt trung bình hơn 9,2%. Đây là một thách thức rất lớn trong hoàn cảnh hiện tại bởi các dữ liệu mới nhất được công bố của Việt Nam chưa thật sự ấn tượng về chỉ số quản lý mua hàng (PMI), xuất khẩu đã giảm 9 tháng qua trong khi nhập khẩu giảm liên tiếp.
Điểm sáng được ngân hàng này chỉ ra là nhu cầu trong nước tương đối lạc quan với doanh số bán lẻ tiếp tục thể hiện tốt trong năm qua. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý lĩnh vực dịch vụ chỉ bù đắp một phần cho tốc độ tăng trưởng chậm trong lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất.
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro bên ngoài cần được theo dõi sát sao bao gồm xung đột Nga-Ukraine và tác động của nó đối với giá năng lượng, lương thực và hàng hóa; sự thay đổi và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; và tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Mặc dù giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6% trong năm 2024 so với mức dự báo hồi tháng Tư năm 2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, song ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, có 57 địa phương còn tồn tại nhiều dự án giải ngân dưới 10% và 109 dự án tại 41 địa phương chưa thực hiện giải ngân. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án cắt giảm kế hoạch năm 2023 tương ứng kế hoạch đã bố trí cho các dự án đến hết ngày 31/10 có tỷ lệ giải ngân bằng 0% và cắt giảm kế hoạch đến hết 31/10 chưa thực hiện phân bổ.
Thi công đường dẫn lên cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây - một trong các dự án đầu tư công trọng điểm của Long An để hoàn tất thông xe kỹ thuật vào tháng 11 và đưa sử dụng trong tháng 12/2023. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đánh giá kiểm điểm trách nhiệm cụ thể trong việc phải cắt giảm kế hoạch, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch năm 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng để nền kinh tế phát triển, không được phép để các nguồn lực bất động. Việc đưa chúng vào vận động, biến chúng thành động lực phải luôn luôn là trách nhiệm ưu tiên của các hoạt động điều hành.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Do đó, với những doanh nghiệp trụ lại sau những biến cố vừa qua cần được miễn giảm lãi suất, phí, thuế cũng như cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề nghị sau 2 năm 2021-2022 của dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Do đó, doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực để vượt khó.
Hiện vẫn nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Dù lãi suất giảm 4 lần nhưng vẫn cao nên rất cần hỗ trợ lãi vay cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.
Bà Thủy Tiên cũng đề xuất dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đạt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
Thời gian quý còn lại của năm 2023 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% không còn nhiều trong khi trong 9 tháng vẫn có bình quân 15.000 doanh nghiệp/tháng rút lui khỏi thị trường, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% - mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Nhiệm vụ còn lại của năm 2023 vẫn còn rất lớn đang trọng trách lên vai Chính phủ tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng Chín, sẽ diễn ra vào hôm nay (30/9)./.
TTX