Chủ Nhật, 24/11/2024
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Thứ Bảy, 16/9/2023 9:12'(GMT+7)

Xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia một cách bền vững

NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Phát triển bền vững - phát triển xanh là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển kinh tế xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới, trong đó phát triển xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. 

Phát triển bền vững - phát triển xanh đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, liên ngành để đảm bảo đạt được các mục tiêu chính, gồm: tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền con người. 

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, phát triển xanh, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn như sau:

Thứ nhất, những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp... cũng đang là trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp. Dù Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, nhưng những chính sách, chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mức độ hiểu biết về quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế.

Thứ hai, liên quan đến chi phí nguồn lực doanh nghiệp. Do chi phí đầu tư cho phát triển xanh và bền vững rất cao, chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn nên phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn và là doanh nghiệp đại chúng phát hành chứng khoán niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán triển khai các hoạt động phát triển bền vững theo bộ tiêu chí ESG. 

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được. Đây cũng là nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mới chỉ quan tâm và tập trung thực hiện một số hoạt động liên quan đến quản trị công ty, một số hoạt động xã hội như quan hệ cộng đồng, hoạt động từ thiện, chương trình sáng kiến xanh. Mặc dù các hoạt động xã hội đó vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng mới chỉ là phần nhỏ trong chương trình phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn ESG.

Thứ tư, doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu quản lý theo không được tốt do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Kế hoạch triển khai ESG cần được phối hợp đồng bộ trong toàn doanh nghiệp, nếu hổng hoặc có trục trặc bất cứ một khâu có thể dẫn đến thiếu nhất quán và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Những lỗ hổng trong quá trình triển khai ESG của doanh nghiệp dễ dàng và ngay lập tức bị lan truyền trong xã hội trong thời đại công nghệ thông tin. Các nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh, người tiêu dùng, người lao động trong doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đều có thể bày tỏ thái độ tiêu cực khi doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí ESG theo chính sách công bố của doanh nghiệp. Đây là một khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trong khi kinh nghiệm còn thiếu cũng như kỹ năng quản lý ESG còn hạn chế.

Thứ năm, doanh nghiệp nào cũng cần và phải thực hiện phát triển bền vững, nhưng một số chương trình, dự án mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp hay giải quyết được những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp. Trong khi đó, để doanh nghiệp chuyển đổi, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững thì cần có các hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, doanh nghiệp của các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Cụ thể là thực hiện các hoạt động nhằm kiểm soát chất ô nhiễm và thúc đẩy thị trường cacbon, bảo tồn đa dạng sinh học... Đáng chú ý nhất hiện nay là Chương trình Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal, viết tắt là EGD) do Ủy ban Châu Âu ban hành năm 2019, là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế. Thỏa thuận này vượt ra ngoài lãnh thổ của EU, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

NHỮNG ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

 Từ những khó khăn nêu trên, có thể đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị đối với doanh nghiệp để phát triển và khẳng định thương hiệu của mình như sau:

Một là, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững. Thay vì đánh giá phát triển bền vững là một gánh nặng, các doanh nghiệp nên coi đó là khoản đầu tư lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hai là, doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh”, có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Ba là, doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển. Hơn nữa, đảm bảo doanh nghiệp phát triển một cách bền vững thì việc quản trị doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và tạo ra lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường.

 

Bốn là, xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp: Văn hóa doanh nghiệp thể hiện được chiến lược công ty, duy trì sự phát triển bền vững nhờ truyền được cảm hứng cho nhân viên và đồng nhất giá trị doanh nghiệp. Đồng thời, chính văn hóa doanh nghiệp cũng là yếu tố giúp nâng cao năng suất và chất lượng công việc. Vì lẽ đó, việc xây dựng và duy trì văn hóa doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng và cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp.

Năm là, chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiến tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới. Hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất