AFP đưa tin, ngày 13/10, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố nước
ông sẽ không đồng ý cho chuyển kho urani đã làm giàu ra khỏi nước mình.
Ông Araqchi đã phát biểu như vậy trước thềm vòng đàm phán mới về hạt nhân với
các cường quốc thế giới tại Geneva (Thụy Sĩ) liên quan tới chương trình hạt nhân
của Tehran.
Ông Araqchi nói: "Chúng tôi sẽ đàm phán về số lượng, các cấp
độ và cách thức làm giàu urani song việc chuyển nguyên liệu (được làm giàu) này
là một 'giới hạn đỏ' đối với Iran."
Ông Araqchi khẳng định Iran sẵn sàng
đàm phán về số lượng, cấp độ và cách thức làm giàu urani, nhưng sẽ không chuyển
kho urani làm giàu ra khỏi đất nước vì đây là "giới hạn đỏ" đối với nước
này.
Ông nhắc lại rằng Iran sẽ kiên quyết theo đuổi quyền (hạt nhân) phù
hợp với các quy định và luật pháp quốc tế, đồng thời sẽ tham gia đàm phán một
cách nghiêm túc, tích cực nhằm đạt được mục tiêu có thể chấp nhận được với các
bên.
Trong các cuộc đàm phán trước đó giữa Iran với nhóm P5+1 vào tháng
Hai và tháng Tư ở Kazakhstan, các nước phương Tây đã yêu cầu Tehran phải ngừng
chương trình làm giàu urani cấp độ 20%, đồng thời đóng cửa cơ sở hạt nhân ngầm
Fordo ở thành phố Qom thuộc miền Trung Iran.
Đổi lại, nhóm P5+1 sẽ nới
lỏng một số lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp hóa dầu và buôn bán kim
loại quý của Iran. Tuy nhiên, phía Iran đã không chấp thuận.
Cho đến nay,
Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích
dân sự, nhưng luôn bị phương Tây nghi ngờ là vỏ bọc cho mục tiêu phát triển vũ
khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán gần đây giữa Iran và Mỹ đã làm
gia tăng hi vọng về khả năng đạt được tiến triển tại cuộc đàm phán tại Geneva
sắp tới.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây đã bày tỏ mong muốn hai
bên sẽ đạt được thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân trong 3-6 tháng, giúp chấm dứt sự
bế tắc đã kéo dài tám năm qua.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết
Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia cuộc đàm
phán tại Geneva với trọng tâm thảo luận là các bước đi mà Iran có thể tiến hành
để hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại phương Tây sẽ nới lỏng trừng phạt./.
(Vietnam+)