Thứ Sáu, 29/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 5/10/2014 14:37'(GMT+7)

Israel sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển khoa học công nghệ

Đoàn công tác của Hội đồng khoa học trong một buổi làm việc tại Israel. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)

Đoàn công tác của Hội đồng khoa học trong một buổi làm việc tại Israel. (Ảnh: Bùi Hoàn/Vietnam+)

.

Trong bốn ngày thăm Israel (29/9 đến 2/10/2014), đoàn công tác của Hội đồng Khoa học do ông Phạm Văn Linh dẫn đầu đã làm việc với Bộ Khoa học Công nghệ và Vũ trụ Israel, Viện nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp Volcani, Trường Đại học Tel Aviv và khảo sát thực tế một số mô hình nghiên cứu và ứng dụng khoa học của Israel.

Trong các cuộc làm việc, phía Israel đều bày tỏ mong muốn hợp tác, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ mà nước này có ưu thế.

Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ và Vũ trụ Israel đã giới thiệu các mô hình, chính sách như giao nhiệm vụ khoa học cho các trường đại học, thu hút quỹ đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo...

Trường Đại học Tel Aviv cũng đã đề nghị hợp tác, trao đổi các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và liên kết với các trường kinh tế, trung tâm nghiên cứu của Việt Nam. Phía Israel cũng hoan nghênh việc hợp tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Việt Nam dưới nhiều hình thức, như sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên đã trao đổi kinh nghiệm trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học, khuyến khích các nghiên cứu sáng tạo, huy động các nguồn lực; xây dựng cơ chế chính sách để triển khai các ý tưởng; bảo quản hàng nông sản.

Phía Israel cũng đã giới thiệu các mô hình ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, như công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ đảm bảo các mặt hàng rau quả tươi lâu, chu trình bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Tại các cuộc tiếp xúc, ông Phạm Văn Linh cho biết Việt Nam có tiềm năng và nhu cầu ứng dụng khoa học trong nông nghiệp. Việt Nam muốn tìm hiểu mô hình và cách thức quản lý của Israel để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước, nhất là để nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ mới để nâng cao sản lượng vật nuôi cây trồng; sử dụng các công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ gen...

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Israel, ông Phạm Văn Linh đã nhấn mạnh ba trọng tâm trong việc nghiên cứu những kinh nghiệm của Israel có thể giúp tháo gỡ những khó khăn cho sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam:

Một là những kinh nghiệm về cơ chế chính sách; hai là những lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm và Israel đã có những bằng chứng thành công; ba là học hỏi các mô hình để có thể giới thiệu và nhân rộng ở Việt Nam, nhất là trong vấn đề nghiên cứu sáng tạo, cách thức tổ chức quản lý khoa học, kinh nghiệm về lựa chọn hướng đi ưu tiên trong từng thời kỳ để có thể thúc đẩy sự phát triển khoa học.

Theo ông, tài nguyên lớn nhất của Israel là sự sáng tạo của con người. Israel đã áp dụng cơ chế quản lý khoa học rất hiệu quả, từ ý tưởng cho tới nghiên cứu ứng dụng, đến thương mại hóa các sản phẩm khoa học.

Việt Nam có thể hợp tác để tiếp cận ngay những thành tựu của Israel để tạo đột phá trong những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam hiện có ưu thế, nhưng có giá trị chưa tương xứng.

Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị TƯ 6 khóa XI về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường, trong đó có nhiều chủ trương lớn như coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, coi doanh nghiệp là trung tâm của ứng dụng đổi mới khoa học.

Các bài học của Israel sẽ là kinh nghiệm quý để tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực này tại Việt Nam./.

  KT
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất