Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thông báo hơn 800 người di cư trên hai con thuyền gặp nạn tại vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam đảo Sicily của Italy đã được giải cứu trong ngày 12/5.
Theo thông báo, 515 người được giải cứu trên chiếc thuyền đầu tiên và khoảng 300 người khác được đưa khỏi chiếc thuyền thứ hai.
Tàu tuần duyên Nave Peluso của Italy đã hỗ trợ giải cứu được 342 người trong tổng số hơn 800 người, trong đó có khoảng 150 người Syria và hơn 40 người Iraq.
Đây là số lượng người tị nạn Syria đông nhất tới Italy từ đầu năm đến nay.
Dự kiến trong ngày 13/5, số người gặp nạn này sẽ được đưa tới cảng Augusta phía Đông Nam đảo Sicily.
Người phát ngôn của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Flavio di Giacomo cho biết thêm các nhóm nhỏ lẻ người di cư bằng đường biển tới từ Bắc Phi đến Italy trong năm nay cũng đã giảm nhẹ và điều này cho thấy có thể có một sự thay đổi trong xu hướng di cư sau khi lộ trình Balkan bị đóng lại cũng như sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 vừa qua ký thỏa thuận nhằm ngăn dòng người di cư và tị nạn đổ vào “Lục địa Già.”.
Ông Giacomo cũng nhận định “đây là một số điểm mới” liên quan vấn đề người di cư, đồng thời dẫn ra số liệu cho thấy kể từ đầu năm 2016 đến trước thời điểm giải cứu hàng trăm người nói trên, trong tổng 31.000 người tới Italy, chỉ có 26 người Syria, còn phần lớn đến từ châu Phi.
Trước thực trạng có trên một triệu người di cư tới châu Âu trong năm ngoái, các quốc gia dọc tuyến Balkans hồi tháng 2 vừa qua đã quyết định đóng cửa biên giới của mình.
Một tháng sau đó, EU và Ankara ký kết thỏa thuận về người di cư theo cơ chế “một đổi một,” nghĩa là với mỗi người di cư tại Thổ Nhĩ Kỳ được EU tái phân bổ, nước này sẽ nhận lại 1 người di cư không đủ điều kiện tị nạn từ châu Âu, đặc biệt những người đang tạm trú tại các trại tị nạn trên các đảo của Hy Lạp.
Kể từ khi thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực hồi đầu tháng 4 vừa qua, lượng người di cư tới Hy Lạp đã giảm đáng kể, song điều này lại làm dấy lên nhiều quan ngại về việc có thể khiến Italy nhanh chóng trở thành cửa ngõ chính của người di cư tìm cách vào châu Âu./.
TT