Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 9/5/2016 9:1'(GMT+7)

Tương lai không phải màu hồng

Các vụ đụng độ diễn ra sau khi hàng triệu người xuống đường biểu tình tại thủ đô Bra-xi-li-a và nhiều thành phố lớn ở Bra-xin. Nguồn: Reuters

Các vụ đụng độ diễn ra sau khi hàng triệu người xuống đường biểu tình tại thủ đô Bra-xi-li-a và nhiều thành phố lớn ở Bra-xin. Nguồn: Reuters

Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đầu năm 2015 đến nay, dường như bà Rút-xép không có một ngày yên ổn. Thời kỳ đầu mới lên nắm quyền, chính sách thắt chặt tài chính của chính phủ bị liên minh cầm quyền và phe đối lập cùng ngăn cản, việc thi hành các biện pháp chính trị bị cản trở, uy tín giảm mạnh. Phe đối lập nắm lấy cơ hội, lợi dụng vụ bê bối và gian lận tài chính của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras làm công cụ để mỉa mai Chính quyền Đin-ma Rút-xép và đảng cầm quyền.

Năm 2014, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras-doanh nghiệp lớn nhất Bra-xin, do nhà nước kiểm soát cổ phần, bị các phương tiện truyền thông Bra-xin đưa ra ánh sáng với các cáo buộc khai man báo giá công trình, nhận được thu nhập cao bất hợp pháp, đồng thời tiến hành giao dịch “quyền lực và tiền bạc” với các quan chức chính phủ. Chiến dịch điều tra quy mô lớn đã khiến hàng trăm cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Bra-xin. Đáng chú ý trong vụ bê bối tham nhũng này, hàng chục nghị sĩ trong liên minh cầm quyền bị cáo buộc nhận hối lộ để ưu ái cho Petrobras “ôm” nhiều dự án cũng như thị trường cung cấp, phân phối dầu khí và các sản phẩm hóa dầu. Đây được coi là vụ bê bối tham nhũng có quy mô lớn nhất trong lịch sử Bra-xin. Nó không những làm "vấy bẩn" hình ảnh đảng PT cầm quyền và tập đoàn Petrobras, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của đương kim tổng thống bởi vào thời điểm vụ việc xảy ra, bà Rút-xép là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Petrobras.

Bên cạnh đó, Tòa kiểm toán liên bang Bra-xin (TCU) cho biết trong báo cáo tài chính năm 2013-2014, Chính quyền của bà Đin-ma Rút-xép đưa nguồn vốn của các ngân hàng công vào thu nhập chính phủ, giảm thâm hụt công do tác động của con người, vi phạm đạo luật trách nhiệm tài chính, cho đây là hành vi gian lận tài chính, chính quyền của bà Đin-ma Rút-xép phải chịu trách nhiệm chính trị. Tuy nhiên, Tổng thống Rút-xép cho rằng việc vay tiền từ các ngân hàng nhà nước để bù vào khoản thâm hụt ngân sách và thanh toán tiền cho các chương trình xã hội là điều mà các lãnh đạo Bra-xin khác đã từng làm và đó không thể bị khép vào hành vi phạm pháp hay hình sự. Bà cho rằng mình là "một bằng chứng sống cho thấy một cuộc đảo chính đang được dàn xếp để chống lại những kết quả tiến bộ đã đạt được trong 13 năm qua".

Trong tình hình vẫn chưa có chứng cứ trực tiếp cho rằng bà Đ.Rút-xép có dính dáng tới bê bối Petrobras, tháng 7-2015, phe đối lập lấy vụ "gian lận tài chính" đệ trình lên Hạ viện yêu cầu luận tội bà. Dự kiến, ngày 11-5 tới, Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét khả năng phế truất bà Rút-xép, sau khi Hạ viện đã thông qua hôm 17-4. Theo quy định, chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Bra-xin sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó tổng thống Mi-chen Tê-mê (Michel Temer), chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Bra-xin của đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận. Nếu bà Rút-xép bị phế truất, ông Tê-mê sẽ làm tổng thống tới ngày 31-12-2018.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, bản chất những vấn đề xung quanh quá trình luận tội bà Rút-xép đều có gì đó không ổn. Quá trình luận tội bà Rút-xép không liên quan gì tới tham nhũng. Trái lại, vị lãnh đạo Hạ viện Bra-xin và là một trong những người chủ chốt trong quy trình luận tội, ông Ê-đu-ác-đu Cu-nha (Eduardo Cunha), lại bị mang tiếng tham nhũng. Ông này có tới 11 tài khoản bất hợp pháp ở Thụy Sĩ, từng bị kết tội tại Tòa án Tối cao và bị nêu tên trong “Hồ sơ Pa-na-ma” là nhận hối lộ từ một tập đoàn đa quốc gia liên quan tới Petrobras. Cũng như ông Cu-nha, nhiều chính trị gia cánh hữu khác ủng hộ luận tội bà Rút-xép đều đang chịu các cáo buộc tham nhũng.

Do đó, vẫn tồn tại ý kiến cho rằng nỗ lực luận tội Tổng thống Rút-xép của phe đối lập không phải là một cuộc chiến chống tham nhũng ở Bra-xin mà thuần túy mang động cơ chính trị.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong quá trình chính phủ bà Rút-xép cầm quyền đã tồn tại nhiều nguy cơ, khiến cho phe đối lập lợi dụng “thừa nước đục thả câu”. Trong những nguy cơ tiềm ẩn này phải kể đến yếu tố xoay chuyển kinh tế không hiệu quả làm mất đi uy tín chính phủ cầm quyền, để Bra-xin từ một “ngôi sao mới nổi” trong nhóm BRICS và G20 với tăng trưởng kinh tế hằng năm từng đạt 10,5%, biến thành quốc gia mà tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Cuối tháng 2 vừa qua, Moody's đã trở thành hãng xếp hạng tín nhiệm thứ ba trên thế giới hạ bậc tín nhiệm của Bra-xin xuống mức "vô giá trị" với lý do nền kinh tế này đang đối mặt núi nợ công cao và tình hình chính trị bất ổn. IMF cũng dự báo kinh tế Bra-xin trong năm nay sẽ giảm 3,8%.

Tình hình kinh tế xấu đi khiến cho sự bất mãn trong xã hội ngày càng ngày gay gắt, kéo theo uy tín của bà Rút-xép giảm sút. Trong khi đó, liên minh cầm quyền bị chia rẽ và làm đổ vỡ cơ sở cầm quyền, khiến cuộc khủng hoảng chính trị Bra-xin ngày một trầm trọng, trở thành một trang tồi tệ trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Với những gì đang diễn ra, nhiều nhà phân tích nhận định, cho dù Tổng thống Rút-xép có thể giữ được chính quyền hay không, Phó tổng thống Tê-mê có đảm nhiê%3ḅm chức Tổng thống lâm thời dù mới bị phanh phui những vi phạm liên quan tới các khoản tiền của chiến dịch tranh cử năm 2014 hay không, đều sẽ đẩy Bra-xin rơi vào cục diện phức tạp và hỗn loạn trong một khoảng thời gian nhất định.

Hà Lan/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất