Thủ tướng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Trong đó, mục tiêu của Kế hoạch này là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân phát sinh, phát triển tội phạm; xã hội hóa công tác này, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia...
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, kịp thời khắc phục những sơ hở không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến vi phạm pháp luật như: dịch vụ kinh doanh game online, trò chơi điện tử có hình ảnh bạo lực, vũ trường, dịch vụ văn hóa, băng đĩa hình đồi trụy.
Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng như: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy, tham nhũng, tội phạm về môi trường, tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên, tội phạm mua bán người, cướp có vũ trang...
Cùng với đó là phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý kịp thời các vụ án trọng điểm được dư luận quan tâm; thực hiện tốt công tác thống kê tội phạm.
Cũng là một nhiệm vụ trọng tâm khác nằm Kế hoạch, đó là kiện toàn bộ máy tổ chức và tăng cường năng lực phòng, chống tội phạm ở các cấp để thực hiện tốt chức năng tham mưu chỉ đạo, kiểm tra và đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; bổ sung đủ biên chế cho lực lượng phòng, chống tội phạm ở các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Là nhiệm vụ ưu tiên trong Chiến lược phát triển KT-XH ở địa phương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định công tác phòng, chống tội phạm là một nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên thực hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, về tận cơ sở thôn, bản, phường, xã, tổ dân phố, cụm dân cư.
Bởi vậy, Kế hoạch nêu rõ yêu cầu phải gắn việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với các chương trình mục tiêu kinh tế xã hội khác như: xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, phòng, chống ma túy v.v.. để góp phần xóa bỏ nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều cách làm phong phú, đa dạng có sức lan tỏa lớn đến mọi tầng lớp nhân dân; tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến, những mô hình xuất sắc, những kinh nghiệm hay trong phòng, chống tội phạm; cảnh báo những nguy cơ, đề phòng những phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm...
Năm 2010, lực lượng Công an các cấp đã điều tra khám phá gần 35.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt, xử lý hơn 45.500 đối tượng; phát hiện, bắt giữ hơn 14.800 vụ với 21.800 đối tượng phạm tội về ma túy; triệt phá nhiều băng ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, hoạt động theo kiểu xã hội đen./.
(Theo: VGP News)