Thứ Sáu, 27/9/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 12/2/2010 21:0'(GMT+7)

Kết luận của Ban Bí thư về kết quả thực hiện Chỉ thị 59 về chăm sóc người cao tuổi

Sau hơn 14 năm thực hiện Chỉ thị số 59, ngày 27-9-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá 7) về chăm sóc người cao tuổi và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc người cao tuổi, nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã có sự chuyển biến tích cực. Tổ chức Hội người cao tuổi Việt Nam ngày càng phát triển, tập hợp đông đảo người cao tuổi trong cả nước vào sinh hoạt, đóng góp thiết thực vào việc giữ vững ổn định chính trị-kinh tế-xã hội ở cơ sở, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, được các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân tin cậy, đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc và phát huy người cao tuổi chưa đồng đều và rộng khắp. Hoạt động của Hội còn hạn chế về nội dung, hình thức và hiệu quả. Một số nơi, Hội người cao tuổi ở cơ sở mới chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động tình nghĩa, chăm sóc sức khoẻ hội viên. Công tác xã hội hoá chăm sóc, phát huy người cao tuổi tuy đã được quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do nhận thức và trách nhiệm của một số cấp uỷ đảng, chính quyền và các ngành về người cao tuổi và tổ chức hội người cao tuổi còn chưa đầy đủ.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:

1- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 59, ngày 27-9-1995 của Ban Bí thư (khoá 7) về chăm sóc người cao tuổi. Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Thực hiện nghiêm túc Luật Người cao tuổi đã được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Người cao tuổi.

2- Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đưa công tác người cao tuổi và xây dựng hội người cao tuổi vào chương trình làm việc thường xuyên trong công tác vận động quần chúng; lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ hoạt động với hội người cao tuổi trong các phong trào, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

3- Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về người cao tuổi, thực hiện có kết quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2010 - 2020; tạo điều kiện thuận lợi để Hội phát triển ngày càng vững mạnh, hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành và thực hiện các chế độ, chính sách cần thiết đối với người cao tuổi và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam cho phù hợp với điều kiện mới.

4- Hội Người cao tuổi Việt Nam cần nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Hội đủ sức làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi; phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; có kế hoạch tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm hay, những điển hình tiên tiến để nhân rộng và nâng cao chất lượng phong trào thi đua; vận động người cao tuổi Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất