ĐÃ CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN TRONG VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 18
Kết
luận nêu rõ, thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp uỷ,
tổ chức đảng và người đứng đầu, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 đã
đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong đổi
mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của
các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa.
Về cơ bản, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra đến
năm 2021, nhất là sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và cơ cấu lại tổ
chức bên trong, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối cấp tổng cục, cấp vụ,
cấp phòng, đội; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các đơn vị, tổ
chức, khắc phục nhiều nội dung chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo
nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một
cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; giảm cán bộ lãnh đạo, quản lý,
nhất là cấp phó và cán bộ giữ chức vụ hàm.
Việc thực hiện thí
điểm một số mô hình đã làm rõ thêm lý luận và thực tiễn về tổ chức bộ
máy. Tinh giản biên chế vượt mục tiêu đề ra, tiết kiệm được ngân sách
nhà nước. Kết quả thực hiện Nghị quyết 18 góp phần khắc phục một số hạn
chế về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, hoàn thiện mô
hình tổng thể hệ thống chính trị, tạo nền tảng tiếp tục thực hiện hiệu
quả Nghị quyết 18 đến năm 2030.
Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm
của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một
số cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc, quyết tâm
thực hiện chưa cao, còn máy móc, chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu
quả hoạt động; chưa gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh giản biên chế
theo vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức thu hút nhân tài.
Chức năng, nhiệm vụ của một
số cơ quan, tổ chức vẫn còn trùng lặp, chồng chéo, chưa phù hợp, làm
giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Một số chủ trương mới như chính sách
tiền lương, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài vào làm việc trong
hệ thống chính trị chậm được cụ thể hoá, một bộ phận cán bộ, công chức,
viên chức có năng lực chuyển sang khu vực tư.
Chậm khắc phục sai
phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm; chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá
nhân để xảy ra sai phạm. Chưa kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương,
khen thưởng tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả; cũng như chưa xử lý
nghiêm các tổ chức, cá nhân không hoặc thực hiện không đúng quy định,
không đạt mục tiêu Nghị quyết 18.
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập
là do Nghị quyết 18 có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động
trực tiếp, toàn diện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống
chính trị; một số cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu
chưa chủ động, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên. Một số nội dung của Nghị
quyết 18 chưa được thể chế hóa kịp thời; chưa thường xuyên kiểm tra,
giám sát, đôn đốc, chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình thực hiện
Nghị quyết 18.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÓ HIỆU QUẢ NGHỊ QUYẾT 18
Tiếp
tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18 gắn với Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khoá XIII, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ
chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải
pháp.
Đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm
của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức
trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu về thực hiện Nghị quyết
18, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 18 đặt ra gắn với thực
hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các
cấp.
Tăng cường nghiên cứu lý luận về mô hình tổng thể tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị phù hợp với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, nhân dân làm chủ” và tình hình thực tế. Kịp thời sơ kết, tổng
kết nghị quyết, chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy của các cơ quan,
tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là mô hình tổ chức của các cơ
quan nhà nước và chính quyền địa phương, các mô hình thí điểm về chính
quyền đô thị, mô hình hệ thống chính trị cấp xã; cơ chế bảo đảm dân chủ
trực tiếp, dân chủ đại diện; tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng.
Sơ kết, tổng kết
việc thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung
khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, cấp
huyện, mô hình thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp
huyện, cấp xã; việc thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý.
Tiếp
tục kiện toàn tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức theo
hướng tinh gọn; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức bảo đảm khắc phục
tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa
các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; kiên quyết chuyển cho
doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ
hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện. Sửa đổi, bổ
sung quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức của hệ
thống chính trị; quy định về sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp thực tiễn.
Tiếp tục thực
hiện nghiêm các quy định và kết luận của Bộ Chính trị về quản lý biên
chế của hệ thống chính trị; về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên
chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026. Hoàn thiện danh mục vị
trí việc làm cùng với khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm của hệ
thống chính trị làm cơ sở xác định biên chế của từng cơ quan, đơn vị phù
hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, gắn với đánh giá thực chất,
xếp loại chính xác công chức, viên chức.
Cụ thể hoá nghị quyết của
các cấp uỷ, tổ chức đảng; thể chế chủ trương của Đảng về tổ chức bộ
máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức, khuyến khích và bảo vệ cán
bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung... bảo đảm kịp thời, đồng bộ,
thống nhất liên thông. Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung
ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách
nhiệm; quy định rõ cơ chế phân cấp, uỷ quyền. Hoàn thiện cơ chế kiểm
soát quyền lực theo hướng tất cả quyền lực đều được kiểm soát, bảo đảm
mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đều thực hiện đúng
nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Hoàn
thành rà soát, sắp xếp chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý; xây
dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Danh
mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ
Trung ương đến cơ sở, sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh. Điều
chỉnh hợp lý chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; quy định số lượng
cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy mô, dân số, yêu cầu phát triển
kinh tế - xã hội. Có cơ chế, chính sách phù hợp đối với người chịu tác
động trực tiếp trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh
giản biên chế. Chuẩn bị nguồn lực, có lộ trình phù hợp thực hiện chính
sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khoá XII. Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu
hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Ban
thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem
xét, quyết định việc thực hiện: Trưởng ban tuyên giáo cấp uỷ đồng thời
là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện. Mô hình văn phòng cấp uỷ phục
vụ chung cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cấp tỉnh.
Tăng cường
công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, thanh tra của chính quyền các
cấp; giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện sắp xếp tổ chức
bộ máy, quản lý biên chế, cán bộ, công chức, viên chức.
Về tổ chức
thực hiện, Kết luận nêu rõ: Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban
cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn
vị sự nghiệp Trung ương triển khai thực hiện Kết luận này; có kế hoạch,
xác định những việc cần làm ngay, rõ lộ trình và phân công thực hiện.
Đảng
đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa
đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện
Kết luận này.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo việc sơ
kết thực hiện thí điểm và hoàn thiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị
chung trong cả nước.
Ban Tổ chức Trung ương tham mưu ban hành các
văn bản có liên quan; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường
xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện Kết luận này, định kỳ
báo cáo Bộ Chính trị./.
VGP