Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 7/3/2023 15:42'(GMT+7)

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô

Xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội có 49,15ha đất bị thu hồi phục vụ dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội có 49,15ha đất bị thu hồi phục vụ dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 7/3, tại trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo, nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tham dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Báo cáo về tình hình triển khai dự án đường Vành đai 4, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh (đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội 58,2km; đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên 19,3km; đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối dài 9,7km).

Điểm đầu nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long). Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng với tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần.

Tuy nhiên, do dự án phức tạp đi qua địa bàn 15 quận, huyện của 3 tỉnh, thành phố, đến nay mới phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1, 2.1 và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 đang được Hội đồng thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định (các dự án do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền).

Còn lại các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm theo tiến độ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 (phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 1/2023) và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án trong tháng 6/2023.

Trên cơ sở tình hình triển khai các nội dung công việc của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô như đã nêu trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị trước mắt, đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt Dự án thành phần 1.2 và Dự án thành phần 1.3, trong quá trình thực hiện, sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh (nếu có) và tổ chức thẩm định.

Trên cơ sở kết quả thẩm định, các tỉnh bố trí bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.

Đối với các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, khẩn trương đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt Dự án thành phần 2.2 và Dự án thành phần 2.3, kịp thông qua kỳ họp Hội đồng nhân dân các tỉnh để bố trí vốn đảm bảo để khởi công dự án trong tháng 6/2023; hoàn thiện báo cáo tác động môi trường dự án thành phần 1.3 trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trước 10/3/2023.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh chủ động rà soát nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh để ưu tiên cung cấp cho dự án Vành đai 4 nhằm giảm chi phí do cung đường vận chuyển ngắn hơn.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tạo điều kiện, xem xét thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần 1.1, 1.2, 2.1, 2.2, 2.3 và thành phần 3 trước 10/3/2023.

Dự kiến tỉnh Bắc Ninh sẽ trình Báo cáo tác động môi trường thành phần 1.3 trước 10/3/2023, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt trước 15/3/2023.

Bộ Giao thông vận tải xem xét, sớm có thông báo thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3.

Bộ Xây dựng sớm có thông báo kết quả thẩm định dự án thành phần 2.2, 2.3 trước ngày 10/3/2023 làm cơ sở để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh phê duyệt đảm bảo tiến độ dự án.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như đưa ra một giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm các địa phương cần chú trọng hơn nữa trong khâu giải phóng mặt bằng, để đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án đề ra.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, thực tế công tác triển khai dự án đang bộc lộ những khó khăn như: Phê duyệt dự án theo thực tế, ứng vốn... Tuy nhiên, vì lợi ích chung của Vùng Thủ đô, các địa phương sẽ quyết tâm, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cùng quan điểm cho rằng thời gian qua, với sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng lòng, đoàn kết ủng hộ của đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, công tác chuẩn bị cho dự án đang được triển khai tích cực.

Điển hình như việc giải phóng mặt bằng bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ với nhiều cách làm hay, sáng tạo của từng địa phương. Tuy nhiên, những vướng mắc cũng còn không nhỏ như hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Do đó, những kiến nghị của địa phương với bộ, ngành cần sớm được xem xét, thông qua, để đáp ứng tiến độ dự án.

Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định sau 8 tháng triển khai dự án, 3 tỉnh, thành phố đã vào cuộc đồng bộ, quyết tâm thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo và được nhân dân rất đồng lòng, đoàn kết, ủng hộ.

Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, xuyên suốt từ thành phố xuống xã, phường; đồng thời thực hiện tuyên truyền tốt, vận động tốt, chính sách tốt để người dân hiểu, đồng thuận cao trong việc triển khai dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn nêu rõ các dự án thành phần đang chậm so với tiến độ dự án đề ra, do đó đề nghị các bộ, ngành thống nhất với các kiến nghị của Ban Chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ dự án.

Về vấn đề ứng vốn trong quá trình triển khai dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng các địa phương tự chủ động dựa trên cơ chế, chính sách, quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ tái định cư, các địa phương cần làm rõ việc xác minh nguồn gốc đất, minh bạch trong các phần việc, góp phần tạo đồng thuận cao trong nhân dân để bảo đảm tiến độ dự án./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất