Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 8/10/2013 22:14'(GMT+7)

Kết nối APEC là động lực thúc đẩy các Mục tiêu Bogor

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Indonesia. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Indonesia. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Ngày 8/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu trong phiên làm việc của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 về "Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình". Tạp chí  trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của Chủ tịch nước.

"Với những thành tựu nổi bật mà liên kết kinh tế APEC đạt được trong gần 25 năm qua, thúc đẩy kết nối khu vực trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong những thập niên tới. Kết nối còn là nhu cầu khách quan của sự phát triển trong thế kỷ 21, đặc biệt do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, sáng kiến của nước chủ nhà Indonesia đưa kết nối trở thành một trọng tâm lớn của APEC năm 2013 là rất đúng thời điểm và hết sức thiết thực. Tôi hoàn toàn ủng hộ thông qua “Khuôn khổ kết nối APEC.” Đây là tầm nhìn tổng thể, dài hạn đầu tiên của APEC về kết nối, có ý nghĩa quan trọng và là động lực mới để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Bogor và liên kết kinh tế khu vực.

Tôi đề nghị chúng ta giao các Bộ trưởng liên quan sớm triển khai việc cụ thể hóa “Khuôn khổ kết nối,” tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, nhất là kết nối về đầu tư và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đóng góp của APEC và cộng đồng doanh nghiệp.

Tôi cũng tán thành thông qua “Kế hoạch dài hạn của APEC về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng” và đề nghị chúng ta sớm triển khai, trên cơ sở phù hợp với năng lực của từng nền kinh tế, hướng tới mục tiêu tạo môi trường thể chế thuận lợi nhằm tối đa hóa sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng. Việc thiết lập các mạng lưới kết nối là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nền kinh tế và giữa các cơ chế, khuôn khổ hợp tác ở các tầng nấc, từ tiểu vùng, đến khu vực và liên khu vực.

Những cơ chế kết nối đang triển khai trong khu vực, nổi bật là “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN,” các thỏa thuận thương mại tự do đang được thúc đẩy, vừa là nền tảng quan trọng, vừa tạo tiềm năng để triển khai hiệu quả kết nối tại châu Á-Thái Bình Dương. Từ những kinh nghiệm kết nối ASEAN, tôi cho rằng cần đẩy mạnh phối hợp với các chương trình, dự án liên kết và kết nối khu vực và tiểu vùng, nhất là trong những lĩnh vực các nền kinh tế thành viên APEC có thế mạnh, hoặc trao đổi kinh nghiệm để tìm ra thực tiễn điển hình.

Tôi đề nghị APEC tích cực hỗ trợ mục tiêu xây dựng thành công Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, phối hợp trong triển khai các dự án ASEAN về hạ tầng cơ sở, kết nối chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho thương mại, ứng phó với các thách thức toàn cầu và trường hợp khẩn cấp, an ninh lương thực và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các thành viên APEC có thể có những đóng góp ý nghĩa đối với hợp tác tiểu vùng Mê Công, đặc biệt trong các chương trình kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tăng cường kết nối giữa các vùng, miền trong nước và giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Chúng tôi cũng đang tích cực cùng các thành viên ASEAN triển khai "Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN." Việt Nam đang cùng nhiều đối tác quan trọng và các tổ chức quốc tế thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kết nối trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong, nổi bật là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc-Nam. Các chương trình kết nối này đang góp phần thúc đẩy tiềm năng của Đông Nam Á trở thành cầu nối giữa các liên kết kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương.

Việc chúng ta xác định và quyết tâm triển khai mạnh mẽ hơn tầm nhìn dài hạn về kết nối có ý nghĩa hết sức then chốt đối với APEC sau gần 25 năm hình thành và phát triển. Đó chính là xung lực mới để APEC thực hiện thành công các Mục tiêu Bogor và cùng các tầng nấc liên kết khu vực khác đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành một cộng đồng ngày càng gắn kết./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất