Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, gồm: Quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...
Theo Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ
Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phú Tiến, thời gian qua, chuyển đổi số quốc gia được
đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, đồng bộ từ Trung ương đến địa
phương và đã có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển
kinh tế - xã hội đất nước.
Đến nay, đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của
Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực như: Chỉ số Đổi mới sáng tạo của
Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp
duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo WIPO).
Tiếp đó, chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38 (theo IPU).
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu
vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử
tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo
Google, Temasek). Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế
số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Đáng chú ý, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành
được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong
việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản
lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...). Đặc
biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại
hiệu quả thiết thực, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân (CCCD) gắn
chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh
điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VnNeID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu
đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ
liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với
15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho
chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả như: Trình
Quốc hội thông qua Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông
(sửa đổi), Luật Căn cước công dân; ban hành 4 nghị quyết, 1 nghị định; 7
Quyết định, 6 Chỉ thị. Đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách
miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng được
đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính
chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và
doanh nghiệp; theo thống kê, đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4
triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, theo Cục Chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số đạt nhiều
kết quả tích cực với gần 80% người dân Việt Nam sử dụng Internet; hiện
đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm
còn lại sẽ phải hoàn thành trong 2024); thử nghiệm mạng di động 5G tại
hơn 50 tỉnh, thành phố. “Các trung tâm dữ liệu tiếp tục được đẩy mạnh
xây dựng ở cả khu vực công và tư. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương,
Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, giao
Bộ Công an thực hiện; 13 doanh nghiệp xây dựng 45 Trung tâm dữ liệu”,
ông Nguyễn Phú Tiến thông tin.
An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng, củng cố,
tăng cường khi có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn
thông tin phân loại theo cấp độ. Gần 4,8 nghìn trang web của cơ quan nhà
nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.
Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn
Phú Tiến đánh giá, có được những kết quả nổi bật nêu trên trong chuyển đổi số thời gian
qua là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự
tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung
tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng
lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp./.
TTXVN