Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 12/11/2012 22:50'(GMT+7)

Kết nối kênh vốn cho doanh nghiệp

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Ngân hàng thận trọng

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện các doanh nghiệp (DN) tư nhân đang chiếm 95% số lượng, tăng trưởng liên tục hàng năm 30% và tạo ra động lực cho các ngân hàng thương mại và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận được vốn ngân hàng của đối tượng này chỉ đạt khảng 30 - 35%; khoảng 30% khó tiếp cận, và 30% không hề tiếp cận được. Vốn đang là vấn đề nan giải đối với cộng đồng DN. Lãi suất cho vay còn cao so với khả năng chịu đựng của DN trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, thậm chí nếu được vay DN vẫn khó tìm được phương án sản xuất, kinh doanh sao cho có thể tích lũy, trả nợ…

Có một thực tế là lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm khá mạnh trong thời gian qua, thậm chí cả các khoản vay cũ lãi suất cũng đã được kéo xuống thấp và nhiều ngân hàng lên tiếng không thiếu tiền, đang lo tìm nơi giải ngân… vậy nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay. Trên thị trường tiền tê, nếu tính tổng cung tiền/GDP thì vẫn ở mức trên 100%. Tiền không thiếu nhưng vòng quay đồng vốn hiện xuống quá thấp, chỉ 0,8 lần so với mức 2,5 lần trước đây. Điều này cho thấy sự sợ hãi đang gia tăng, tính phòng thủ đang bao trùm thị trường, cũng một phần lý giải mối lo của không ít ngân hàng đang loay hoay tìm cách giải ngân nhưng phải đảm bảo sự an toàn. Bên cạnh đó, dù Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo đưa lãi suất các khoản vay cũ về mức dưới 15%/năm từ ngày 15/7, nhưng đến nay vẫn nhiều DN than phiền họ chưa được hưởng chính sách ưu đãi đó. Bên cạnh đó là hàng loạt “rào cản kỹ thuật” với những thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe đặt ra của các ngân hàng càng làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (TP.Hồ Chí Minh), giữa ngân hàng và DN còn tồn tại khoảng cách rất xa, chưa kết nối được với nhau. “Công ty tôi cần vay khoảng 40 tỷ đồng vốn lưu động để sản xuất hàng cho mùa tựu trường nhưng sau khi thẩm định tài sản thế chấp, ngân hàng chỉ cho vay 6,5 tỷ đồng. DN đề xuất thế chấp bằng hàng tồn kho thì ngân hàng lắc đầu dù hàng tồn kho trong mùa vụ có tính thanh khoản rất cao”, ông Kiên cho biết. Bức xúc trước thực trên, ông Kiên đánh giá, quy trình thẩm định của ngân hàng có vấn đề và quá cứng nhắc. Nếu ngân hàng tích cực và linh hoạt trong thẩm định thì DN đỡ khổ, không bị đẩy vào tình cảnh thiếu vốn sản xuất, không cung ứng kịp cho thị trường, đến khi có vốn để sản xuất thì lại hết mùa vụ, dẫn đến tình trạng tồn kho…

Đại diện Công ty Cổ phần Đúc Tân Long (Hải Phòng) cho rằng, thời gian qua, ngân hàng có sự đồng hành, chia sẻ với DN, song thực sự, các DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay và vẫn phải trả lãi suất cũ ở mức cao hơn 15%. Ngân hàng cần phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, giãn nợ để tạo điều kiện cho các DN có thêm thời gian trả nợ. Các ngành chức năng tăng cường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất để DN có thêm tài sản thế chấp vay vốn.

Lý giải cho cái khó, nhiều ngân hàng cho rằng, thực tế họ cũng chính là DN, mọi hoạt động đều phải tuân thủ theo quy định và nguyên tắc, phải đảm bảo an toàn và có lãi cho đồng vốn. Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, qua thống kê 42% DN tại TP. Hồ Chí Minh có vay vốn tại ngân hàng cho thấy hàng tồn kho gấp đôi dư nợ. Trong 100 đồng hàng hóa tồn kho thì chỉ có 27 đồng có khả năng luân chuyển, còn lại bất động. Điều đó cho thấy sức cầu suy giảm nghiêm trọng, nợ xấu của DN khiến cả ngân hàng lẫn DN không thể sinh hoạt, làm ăn như bình thường được. Đồng quan điểm trên, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho rằng, ngân hàng chấp nhận giảm lãi dù có thể năm nay không đạt chỉ tiêu lợi nhuận. Ông Bình cũng cho biết, Ngân hàng Đông Á đã giảm lãi vay cho các DN bất động sản về 15%/năm với điều kiện các DN này cùng ngồi lại với ngân hàng bàn bạc tìm đầu ra.

Doanh nghiệp phải chủ động

Theo TS. Alan Phan, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa, điểm yếu của phần lớn DN Việt Nam là “lười biếng” trong tìm kiếm vốn, thường trông chờ vào “sổ đỏ” để thế chấp, mà không năng động trong ý tưởng và không biết mình đang thật sự cần gì. Đi vay nhưng biết rất ít về nhà đầu tư. DN cần biết rõ nhu cầu của nhà đầu tư, tiêu chí họ muốn cho vay, ngành nghề ưa thích, phương thức hoàn trả và thoái vốn ra sao. Để tiếp cận nguồn vốn tốt DN cần phải nắm rõ điểm mạnh điểm yếu của mình cũng như của đối thủ, của các nguồn vốn. Và việc xác định nội tại, giá trị cốt lõi của DN giúp DN dễ tiếp cận với nguồn vốn hơn. Sau khi đã biết mình cần gì và muốn gì và giá trị cốt lõi của mình là gì thì mới đi tìm hiểu và tiếp cận với các nguồn vốn, vay ngân hàng, huy động bạn bè hoặc tiếp cận với các qũy đâu tư.

Một lý do các DN Việt Nam khó tiếp cận được với các nguồn vốn là DN không nhìn về phía nhà đầu tư, mà chỉ quan tâm đến mình, đến ý tưởng và dự án của mình. Khi nhà đầu tư quyết định đầu tư hoặc “rót vốn” vào đâu đó, 3 vấn đề đầu tiên họ quan tâm đó là doanh thu, lợi nhuận và thị phần. Vì vậy, DN phải chứng tỏ cho nhà đầu tư thấy năng lực quản lý cuả người lãnh đạo và sản phẩm cạnh tranh như thế nào trong thị trường, khả năng mở rộng mạng lưới, quy mô và mật độ phủ của kênh phân phối. Đây là các yếu tố quan trọng quyết định sự thành, bại của DN, cũng chính là yếu tố giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Cùng với đó, DN cần kế hoạch sử dụng đồng vốn ra sao, công ty sẽ thay đổi như thế nào. Nhà đầu tư cảm nhận rủi ro rất khác so với cách nhìn của DN, họ nhìn vào rủi ro và cơ hội ở thời điểm hiện tại và cần đủ lòng tin vào DN.

Khi cần vốn để khởi sản xuất kinh doanh, DN không nhất thiết cứ phải trông chờ vào nguồn vay ngân hàng hoặc tìm một quỹ đầu tư nào đó để bổ sung và huy động vốn. Quỹ đầu tư cũng là nơi khởi đầu tốt cho việc huy động vốn, vì khi tiếp cận với quỹ đầu tư, DN sẽ được tư vấn. Những DN có mức độ ổn định hơn, có nhiều cơ hội huy động vốn trên thị trường chứng khoán nếu đảm bảo được sự minh bạch về tài chính. Phát hành trái phiếu cũng là một trong những hình thức huy động vốn đối với các DN dạng này. Liên doanh là một hướng huy động vốn rất hiệu quả giúp DN tận dụng được mối quan hệ cuả đối tác thông qua hình thức hợp tác chiến lược hay tài chánh. Các công ty cho thuê tài chính cũng là một hướng ra cho DN khi cần huy động vốn.

Thực tế, thị trường tài chính là nơi luôn có nhiều rào cản nhưng DN lại thường nóng vội. Vì thế dòng tiền luôn chảy về nơi nào sử dụng nó hiệu quả nhất, việc huy động là một quá trình có sự chuẩn bị thật kỹ mới giúp giảm đi các thương vụ thất bại./.

Nguyễn Thị Kim Lý

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất