Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 11/11/2012 16:24'(GMT+7)

Bước chuyển mới của các tập đoàn kinh tế

Những nguyên nhân

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đó cũng là các nguyên nhân trực tiếp khiến việc thí điểm một số TÐ bị dừng lại. Trước hết, do hạn chế và bất cập trong tạo động lực và thể chế gắn kết hoạt động sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi giá trị, liên kết lợi ích và cơ chế quản lý nội bộ trong TÐ; tình trạng "điều hành chéo" không hợp lý giữa các công ty mẹ và con. Ngoài ra, tính bất khả thi của các cặp DN cộng sinh "cưới ép" thành TÐ đậm tính hành chính và duy ý chí này trong theo đuổi mục tiêu "phát huy sức mạnh tổng thể" của các đơn vị thành viên để hình thành các tập đoàn lớn, quả đấm thép, chi phối thị trường... Ðặc biệt, hệ quả của hội chứng "xin-cho" lên TÐ của các TCTNN như là biểu tượng và căn cứ quan trọng quyết định thứ hạng, đẳng cấp của DNNN, kèm theo đó là các cơ chế lương, thưởng, cấp bậc, chức vụ, vị thế kinh tế - xã hội... chứ không xuất phát từ yêu cầu, điều kiện thực tế kinh doanh thị trường và cơ sở luật định cần thiết cho hoạt động của DN và TÐ.

Theo lộ trình thực hiện Ðề án Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tái cơ cấu TÐ, TCTNN, có thể số lượng TÐKTNN tới đây sẽ giảm xuống còn khoảng từ năm đến bảy tập đoàn so với chín như hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các TÐ kinh tế nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục "ra đi" và thu hẹp vai trò, vị thế kinh tế nhà nước trong thời gian tới.

Cần nhấn mạnh rằng, về bản chất, hình thức tổ chức TÐKTNN và TCTNN  như nhau, và chúng chỉ phân biệt với nhau ở quy mô vốn và phạm vi hoạt động đa dạng mà thôi. Dự thảo Nghị định hình thành, tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát các TÐKT, TCTNN (thay thế Nghị định 101/2009/NÐ-CP) khi được thông qua sẽ có câu trả lời đầy đủ cho vấn đề này.

Hoàn thiện đề án tái cơ cấu

Thực tiễn thế giới và trong nước đều cho thấy, sự tồn tại của khu vực kinh tế nhà nước, trong đó của TÐKTNN là khách quan, nhưng không phải là bất biến và để xóa bỏ thế độc quyền, phát triển kinh tế thị trường cạnh tranh đầy đủ cũng  không thể làm trong ngày một ngày hai. Trong thời gian tới, về xu hướng, Thủ tướng sẽ có trách nhiệm cao hơn với một số ít hơn các TÐ chính, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, khai thác tài nguyên, vận tải và cơ sở hạ tầng. Quyền và trách nhiệm của các bộ chủ quản là cấp trên trực tiếp và các bộ tổng hợp khác cũng cần quy định rõ hơn cho từng bộ, ngành, cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các DNNN. Tuy nhiên, việc quản lý các TCT sẽ được điều chỉnh theo hướng: Bộ sẽ không can thiệp trực tiếp vào công tác quản lý, điều hành kinh doanh của DN, mà quản lý với tư cách là chủ sở hữu cấp trên theo quy định pháp luật, tức chỉ bổ nhiệm nhân sự chủ chốt, phê duyệt điều lệ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm, phê duyệt chủ trương để thành lập công ty con, thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra...

Trước mắt, Bộ Tài chính chỉ đạo các TCT chủ động hoàn thiện đề án tái cơ cấu đúng kế hoạch phù hợp đối với từng DNNN theo Quyết định số 929/QÐ-TTg ngày 17-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết thoái vốn tại các DN không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường để giảm bớt đầu mối DN, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình... Bộ Xây dựng sẽ xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Ðà, Tổng công ty Ðầu tư phát triển nhà và đô thị trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Ðồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao...

Trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tái cơ cấu các TÐ kinh tế, TCTNN theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, quy mô phù hợp với thị trường, năng lực quản trị và khả năng tài chính. Tập trung hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là của bộ quản lý ngành và hội đồng quản trị doanh nghiệp. Theo Ðề án đổi mới quản trị doanh nghiệp của thông lệ kinh tế thị trường được Thủ tướng phê duyệt tháng 6-2012, cơ chế công bố thông tin về quản trị DN cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tổ chức xây dựng và công bố báo cáo thường niên về hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước (bao gồm danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại thời điểm 31-12 hằng năm, thực trạng và hiệu quả đầu tư, thực trạng thực hiện chức năng chủ sở hữu, cổ đông nhà nước tại các doanh nghiệp)... Ðồng thời, nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư, các chủ sở hữu, trước hết là chủ sở hữu nhà nước. Tách chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan nhà nước; xác định rõ cơ quan đầu mối thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước và không thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với các DN. Theo Ðề án này, sớm hoàn chỉnh và thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cấu trúc khu vực DNNN; chuyển toàn bộ các DNNN hoạt động kinh doanh thuần túy sang hình thức công ty cổ phần.

* Ngày 28-10, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, ông Vũ Ðức Ðam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định, 21 tập đoàn, TCT sẽ không dừng hoạt động mà được sắp xếp lại, TÐ có thể giữ mô hình tập đoàn hoặc có thể chuyển thành TCT.

* Theo đề án tái cơ cấu DNNN của Bộ Tài chính, tính đến tháng 9-2011, dư nợ vay ngân hàng của các DNNN là 415.347 tỷ đồng, tức 16,9% tổng dư nợ cả nước. Trong đó, hơn một nửa số nợ tập trung vào 12 TÐKTNN (218.738 tỷ đồng) chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng. Tổng số lỗ lũy kế của các TCT, TÐ đến ngày 31-12-2011 là 26.110 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Minh Phong/Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất