Bộ Công thương là một bộ kinh tế đa ngành, quản lý những “yết hầu” kinh tế quan trọng của đất nước với tỷ trọng công nghiệp và thương mại chiếm hơn 80% GDP, 70% thu ngân sách hằng năm. Hai năm qua, Bộ Công thương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bộ này tương xứng với vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế…
Đổi mới giữa bộn bề thách thức
Tháng 6-2016, ngay tại hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã triển khai chương trình hành động của Bộ Công thương giai đoạn 2016-2020 thực hiện nghị quyết. Hai năm qua với Bộ Công thương là cả chặng đường dài đầy gian nan, thách thức.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được” (10/15 tiêu chí của nước ta chỉ đạt mức tương đối thấp). Do đó, Đại hội XII xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa-hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển…
Nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai Bộ Công thương từ đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh bộn bề khó khăn, thách thức. Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho biết số doanh nghiệp đóng cửa tăng tới hơn 22,4%. Đặc biệt, “bản danh sách đau lòng” mà đại biểu Quốc hội nêu về 5 dự án quy mô hơn 30.000 tỷ đồng thua lỗ trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11-2016 đã không dừng lại ở con số 5 mà lên tới 12 với tổng số nợ phải trả đến hơn 58.000 tỷ đồng. Con số 12 đại dự án của ngành công thương này cũng chính là những dự án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đặt nhiệm vụ sẽ truy tố, xét xử dứt điểm...
Thực trạng đó tác động rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ của hàng triệu người làm việc trong ngành công thương, nhất là những đơn vị có đại dự án đang có hàng chục vạn lao động tham gia. Đó là chưa kể, trong bộ máy đa ngành, đa tầng, quy mô đồ sộ từng là nơi sáp nhập của 6 bộ, ngành qua nhiều giai đoạn lịch sử ấy, những thói quen, lực cản lạc hậu, quan liêu, trì trệ vẫn nặng nề ở không ít bộ phận.
Làm gì? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Nỗ lực vượt khó, đổi mới để phát triển
Tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, Đại hội XII của Đảng từng rút ra bài học “phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn”. Bộ Công Thương đã thực hiện tốt tinh thần ấy. Để tạo được những chuyển biến mạnh mẽ, trước hết, Bộ Công thương đã chủ động, tích cực triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, hoàn thiện thể chế KTTT. Trong đó, tôn trọng các quy luật của KTTT được đặt lên hàng đầu.
Điều này chính là nỗ lực khắc phục những hạn chế, bất cập từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII của Đảng (năm 2017): Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao…
|
Khai thác dầu khí 6 tháng đầu năm 2018 vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ảnh: CẤN DŨNG |
Một dẫn chứng rõ nét là tại nhiệm kỳ Đại hội XII, tư duy tăng trưởng chỉ dựa vào bán khoáng sản thô đã được khắc phục. Còn nhớ, đầu năm 2016, nhiều chuyên gia kinh tế từng lo ngại, do sức ép chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, có thể dẫn đến yêu cầu ngành than, dầu khí khai thác thêm vài triệu tấn bơm ra thị trường để đắp vào tăng trưởng GDP, như cách thường làm trong nhiều năm. Song mang tài nguyên thô đi bán, lại bán vào lúc giá rẻ không phải là phát triển bền vững. Nhưng nhìn lại hai năm qua, Chính phủ và Bộ Công thương đã thay đổi tư duy đó, chú trọng tăng trưởng bằng năng suất lao động, bằng hiệu quả và chất lượng, bằng tính cạnh tranh và thực hiện bằng được việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo cơ sở cho phát triển bền vững.
Tạp chí Forbes: Chính phủ Việt Nam, cùng với những quyết định về chính sách và thương mại của họ, đang tiếp tục giúp mở rộng phát triển kinh tế tư nhân và bảo đảm tự do thương mại, đặc biệt là việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường trong nước. Đây là điều đã được thực hiện nhất quán và sẽ được duy trì ổn định trong thời gian tiếp theo. Việc tạo ra thị trường mở cửa hoạt động kinh doanh có thể thấy rõ trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, được triển khai trong vòng 9 tháng gần đây mà điển hình là sự kiện 53,6% cổ phiếu của Sabeco được bán cho Tập đoàn ThaiBev.
(Nguồn: https://www.forbes.com/sites/riskmap/2018/04/26/vietnam-woos-foreign-investors-despite-high-profile-political-purge/#39eff69b3d96)
ĐỨC THÀNH (biên dịch)
|
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương, mặc dù ngành khai khoáng có mức giảm khá sâu theo định hướng tái cơ cấu chung của ngành (năm 2016 giảm 5,9%; năm 2017 giảm 7,1%) nhưng với sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (năm 2016 tăng 11,2% và đặc biệt năm 2017 tăng tới 14,5%), sản xuất công nghiệp nói chung vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan với chỉ số toàn ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2016 tăng 7,4% và sang năm 2017 tăng tới 9,4%, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm (tăng 7,1-8%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã khẳng định được vai trò là trụ đỡ, là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng công nghiệp, cho thấy quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng.
Bức tranh kinh tế ngành công thương 6 tháng đầu năm 2018 đã tiếp nối thành công của năm 2017, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng 10,5%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (7%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 12,7%.
Năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng trưởng hơn 21% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu tăng trưởng được Quốc hội và Chính phủ giao. Đây là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu phục hồi ở mức thấp và một số thị trường có xu hướng bảo hộ trở lại. Nhập khẩu cũng được kiểm soát tốt, giúp chúng ta đạt thặng dư thương mại hai năm liên tiếp và 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt thặng dư khi xuất siêu 2,71 tỷ USD, góp phần cải thiện các cân đối vĩ mô khác.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Việt Nam đã có những việc “lần đầu tiên làm được” như: Có các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới cao cấp của 29 doanh nghiệp vào được trong chuỗi liên kết quốc tế của Samsung; hai sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tham gia vào dây chuyền lắp ráp máy bay Boeing của Mỹ…
Sau hai năm triển khai thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công thương đã có nhiều nỗ lực xử lý 12 đại dự án thua lỗ. Báo cáo trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép đưa dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP 1-Hải Phòng và dự án nhà máy thép Việt Trung ra khỏi danh sách các dự án kém hiệu quả vì hai dự án này đã cơ bản xử lý được những khó khăn, vướng mắc, hoạt động ổn định và có lãi. Bốn dự án còn lại trong danh sách 6 dự án đang vận hành sản xuất từng bước giảm lỗ và dần đi vào ổn định.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong hai năm 2016-2017, Bộ Công thương đã kiên quyết cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước trên tinh thần khẩn trương, thực chất. Điển hình thành công có thể kể đến việc thoái vốn tại Tổng công ty Sabeco và bán cổ phần tại các doanh nghiệp quy mô lớn, như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3)... Riêng thoái vốn tại Tổng công ty Sabeco được các chuyên gia kinh tế coi như mẫu mực thành công về thoái vốn Nhà nước, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách, gần 110.000 tỷ đồng-mức kỷ lục từ trước đến nay trong hoạt động thoái vốn Nhà nước và gần bằng một nửa số tiền mà Việt Nam phải trả nợ nước ngoài cả gốc và lãi năm 2017.
Hoàn thiện thể chế - nhiệm vụ hàng đầu
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Bộ Công thương là một trong những bộ quyết liệt nhất trong hoàn thiện thể chế với số lượng văn bản pháp luật được xây dựng, hoàn thiện rất cao. Năm 2016, 2017 là hai năm trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế của bộ. Bộ đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành 110 văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch. Trong đó, nhiều văn bản giúp tháo gỡ những rào cản đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Năm 2018, Bộ Công thương sẽ xây dựng và ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành công thương tiếp tục phải thay đổi, có cách tiếp cận mới, không thể theo nếp cũ, máy móc, áp đặt trong quản lý Nhà nước; nâng cao kỷ luật lao động cũng như vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; rà soát các quy định bảo đảm công khai, minh bạch; cải cách chế độ công vụ... nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ tốt doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo của Oxford Business Group (OBG): Thành công của kinh tế Việt Nam trong vòng vài thập niên gần đây được xây dựng từ việc mở cửa hội nhập mạnh mẽ vào các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế. Việt Nam hiện tại đã là một trong số các quốc gia có nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ tính riêng trong vòng 15 năm trở lại đây, vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thương mại toàn cầu đã tăng lên gấp 5 lần, với tổng giá trị hàng hóa xuất-nhập khẩu tương đương khoảng 160-170% GDP.
Bộ Công thương Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục hướng tới việc ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vào năm 2018. Bên cạnh đó phải kể đến sự tham gia của Việt Nam vào quá trình đàm phán để tiến đến ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định sẽ giúp tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam cả ở khu vực và quốc tế bởi đây là minh chứng cụ thể, là bước tiến mới trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam.
(Nguồn: https://oxfordbusinessgroup.com/overview/bucking-trend-foreign-direct-investment-and-trade-continue-climb)
ĐỨC THÀNH (biên dịch)
|
Bộ luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Trong đó, có những chủ trương còn tiên phong thực hiện trước cả khi nó chính thức đi vào nghị quyết của Đảng. Chẳng hạn, đầu năm 2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCS với tinh thần “nói không” với việc bổ nhiệm cấp hàm lãnh đạo tràn lan từng gây bức xúc dư luận, giảm số lượng phòng thuộc bộ và cán bộ trưởng phòng, phó trưởng phòng. Những quy định về bổ nhiệm cấp hàm này sau đó đã được quy định trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, từ lỗ hổng về công tác cán bộ trong một số vụ án, vụ việc, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã xây dựng lại quy chế làm việc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công tác cán bộ, cụ thể hóa các nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Ban hành quy định mới về tiêu chuẩn chức danh và quy trình thực hiện công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, có cơ chế bảo đảm sự kiểm tra, giám sát. Ba năm qua, ở Bộ Công thương từng diễn ra các đợt điều động đội ngũ cán bộ rất lớn với sự thay thế hàng loạt vị trí quan trọng một cách không ồn ào nhưng cương quyết. Trong đó, hầu hết những sự việc liên quan tới công tác nhân sự từng gây bức xúc trong dư luận… đã được xử lý.
Hiệu quả công việc luôn là thước đo của công tác lãnh đạo, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”. Những gì Bộ Công thương nỗ lực đạt được trong thời gian qua không chỉ là con số mà đã mang lại niềm tin cho hàng triệu lao động trong ngành cũng như nhân dân cả nước vào một đơn vị quản lý kinh tế có quy mô rộng lớn hàng đầu đất nước với bao khó khăn, thăng trầm và hệ lụy từ giai đoạn trước đây. Đồng thời, những nỗ lực đó cũng thể hiện rõ nét hơn và để lại những kinh nghiệm đáng ghi nhận thông qua việc lãnh đạo tháo gỡ những điểm nghẽn phát triển, phát huy vai trò người đứng đầu mà chúng tôi sẽ đề cập trong số báo tới.
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH/QĐND.VN