Thứ Bảy, 30/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 23/12/2015 22:4'(GMT+7)

Kêu gọi hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí khu vực phía Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/8/2014 và mới đây đã được bổ sung vào hệ thống bảo tàng quốc gia, với tổng kinh phí xây dựng gần 36 tỷ đồng. 

Với bảo tàng, hiện vật là linh hồn. Từng thước phim, tờ báo, tấm ảnh, từng hiện vật dù nhỏ nhất, đơn giản nhất liên quan đến nghề báo, người làm báo… đều có giá trị lịch sử vô giá, không thể thay thế. Tuy nhiên các hiện vật đó hiện đang rải rác nhiều nơi, trong và ngoài nước và có nguy cơ mai một. 

Tại buổi lễ, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã kêu gọi toàn thể các nhà báo, gia đình và thân nhân nhà báo; Hội Nhà báo các địa phương, các cơ quan báo chí; các nhà sưu tầm hãy hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam những hiện vật gắn bó với hoạt động của mình, mang dấu ấn lịch sử và có ý nghĩa giáo dục; thể hiện được quá trình lịch sử vẻ vang của nền báo chí Việt Nam, nền bào chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. 

Hội Nhà báo Việt Nam, các hội địa phương, các cơ quan báo chí coi đây là một nhiệm vụ chính trị, hoạt động quan trọng và thường xuyên của đơn vị. 

Ngay tại lễ phát động, nhiều tài liệu, hiện vật quý giá của các nhà báo lão thành và người nhà, nhiếp ảnh gia, các nhà sưu tập… đang công tác và sinh sống ở khu vực phía Nam đã được trao tặng cho Bảo tàng. 

Điển hình như tấm bản đồ Sài Gòn được nhà báo scan lại bằng tay những năm 1967 và ảnh Tổ điểm báo Sài Gòn của Thông tấn xã giải phóng ở Bố bà Tây (1969-1971) huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh của nhà báo Nguyễn Thanh Bền, nguyên cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam. 

Nhà báo Trần Công Tấn, nguyên phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân tại Lào, Campuchia đã hiến tặng máy chữ do Hoàng thân Suvanuvon (Lào) tặng ông trong thời kỳ chiến tranh năm 1955-1956; ảnh Bác Hồ và Hoàng thân Suvanuvon tại Việt Bắc. 

Nhà báo Đoàn Công Tính hiến tặng phim chụp ảnh dùng ở những năm 1969, máy ảnh năm 1968, thùng đại liên chứa phim, máy ảnh khi vượt sông tại Quảng Trị 1970. 

Gia đình của cố Nhà báo Phạm Dân, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tặng sách, ảnh và hồi ký của cố nhà báo cho bảo tàng. 

Trong dịp này, tiến sỹ Nguyễn Nhã cũng trao tặng Tập san sử địa liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam cho Bảo tàng Báo chí. 

Nhiều bạn đọc cũng đến trao tặng các tờ báo cách mạng lưu hành ở Việt Nam trước năm 1975. 

Trước đó, tháng 1/2015, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tổ chức thành công lễ phát động hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí ở khu vực phía Bắc./. 

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất