Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 24/8/2015 9:22'(GMT+7)

Khả năng thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ vượt qua “ải” Quốc hội Mỹ

Thượng nghị sĩ Bốp Men-nê-đết tuyên bố phản đối việc thông qua thỏa thuận hạt nhân I-ran. (Ảnh: AP)

Thượng nghị sĩ Bốp Men-nê-đết tuyên bố phản đối việc thông qua thỏa thuận hạt nhân I-ran. (Ảnh: AP)

Điều mà ông M.Con-nen dám công khai nói ra cũng chính là điều mà nhiều thành viên đảng Cộng hòa ngấm ngầm thừa nhận, đó là về mặt thủ tục, mọi chuyện dường như đang chuyển biến theo hướng chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma mong muốn, cho dù họ đều đang nỗ lực để ngăn chặn việc Quốc hội thông qua thỏa thuận.

Giới quan sát cũng lạc quan về khả năng thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ được chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma bảo vệ thành công. Họ cho rằng, ngay cả khi kỳ nghỉ vào tháng 8 của Quốc hội Mỹ được xem là cơ hội để phe phản đối thỏa thuận trong đảng Cộng hòa vận động bác bỏ thỏa thuận thì cũng khó có thể đảo ngược được xu hướng văn bản này sẽ được thông qua.

Theo luật định, Quốc hội Mỹ có quyền xem xét thỏa thuận và một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội theo kế hoạch sẽ được tiến hành vào ngày 17-9 tới. Nhiều khả năng Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, nếu khả năng này xảy ra, Tổng thống B.Ô-ba-ma sau đó chắc chắn sẽ dùng tới quyền phủ quyết để bảo vệ thỏa thuận được xem sẽ là di sản nổi bật của ông nếu được thực thi. Khi đó, phe đối lập phản đối thỏa thuận sẽ lại cần có 2/3 số phiếu ủng hộ tại cả hai viện để vượt qua quyết định của Tổng thống.

Còn Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ cần phải có sự ủng hộ của 34 trên 46 thượng nghị sĩ thuộc phe Dân chủ để bảo toàn quyền phủ quyết của mình tại Thượng viện. Hiện đã có 23 nghị sĩ tuyên bố ủng hộ Tổng thống ở Thượng viện. Thượng nghị sĩ Giách Rít (Jack Reed) và Sen-đơn Oai-hau (Sheldon Whitehouse) đã ra tuyên bố chung ủng hộ Tổng thống B.Ô-ba-ma ngay sau khi thượng nghị sĩ Dân chủ Bốp Men-nê-đết  (Bob Menendez), thuộc bang Niu Giơ-xi tuyên bố phản đối.

Còn ở Hạ viện, để bảo vệ quyền phủ quyết, ông B.Ô-ba-ma cần có sự ủng hộ của 146/188 hạ nghị sĩ Dân chủ. Và hiện đã có hơn 50 nghị sĩ tuyên bố sẽ ủng hộ ông ở Hạ viện, trong khi chỉ có 10 người cho biết sẽ bỏ phiếu chống, số còn lại chưa quyết định.

Theo phân tích, hiện phe Cộng hòa đang tiến gần tới mục tiêu có đủ số phiếu cần thiết để thông qua một dự luật ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân I-ran, song họ sẽ đối mặt với thách thức lớn nếu muốn giành đủ đa số 60 phiếu để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống. Với 246 ghế đang nắm giữ tại Hạ viện, các nhà lập pháp Cộng hòa có thể dễ dàng đạt được mục tiêu bác bỏ thỏa thuận hạt nhân I-ran ở Hạ viện. Tuy nhiên, “cuộc đấu” giành phiếu tại Thượng viện khó khăn hơn nhiều. Trong 5 tuần trở lại đây, số nghị sĩ Dân chủ ủng hộ thỏa thuận ngày càng tăng. Tại Thượng viện, tới nay mới chỉ có 2 thượng nghị sĩ Dân chủ là Bốp Men-nê-đết và Sác-lít Xchu-mơ (Charles Schumer) công khai tuyên bố phản đối thỏa thuận. Do đó, phe Cộng hòa cần phải nhận thêm được 4 lá phiếu của các thượng nghị sĩ Dân chủ để bác thỏa thuận này.

Sau kỳ nghỉ, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã bắt đầu tiến hành kế hoạch vận động hành lang để lôi kéo sự ủng hộ của các nhân vật vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Nhà Trắng cho biết, ông B.Ô-ba-ma đã tổ chức các cuộc gặp riêng hoặc theo nhóm nhỏ với gần 100 nghị sĩ và hơn một chục cuộc họp với nội các và giới chức cấp cao, kể từ khi thỏa thuận hạt nhân I-ran đạt được vào tháng trước.

Hiện có 18 thượng nghị sĩ Dân chủ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, trong số này có cả những nhân vật sẽ tái tranh cử vào năm 2016 để tiếp tục ở lại Thượng viện. Vì vậy, theo giới phân tích, các nghị sĩ này phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn quyết định ủng hộ hay không thỏa thuận hạt nhân I-ran do điều này có liên quan tới sinh mệnh chính trị của họ. Chuyên gia phân tích chính sách an ninh và quốc phòng Thô-mát Đôn-neo-li (Thomas Donnelly) thuộc Viện American Enterprise cho rằng, quyết định phản đối thỏa thuận “có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp” của các nghị sĩ Dân chủ. Vì những người phản đối thỏa thuận hạt nhân I-ran sẽ không chỉ thách thức Tổng thống mà sẽ còn phải đối mặt với các nhóm cấp tiến và cử tri Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, những người ủng hộ thỏa thuận.

Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất được CNN/ORC công bố ngày 20/8, có tới 56% số người Mỹ được hỏi nói rằng, họ muốn các nhà lập pháp nước này bác bỏ thỏa thuận hạt nhân I-ran. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với 52% số người phản đối thỏa thuận trong cuộc thăm dò hồi tháng trước, trong khi số người ủng hộ Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận chỉ ở mức 41%. Có tới 60% bày tỏ không tán thành cách thức Tổng thống B.Ô-ba-ma đang giải quyết các mối quan hệ với Tê-hê-ran, tăng mạnh so với mức 48% hồi tháng 4, thời điểm các cường quốc và I-ran công bố thỏa thuận hạt nhân khung. Trong khi đó, 50% số người Mỹ ủng hộ một thỏa thuận dỡ bỏ các đòn trừng phạt kinh tế để đổi lại việc áp đặt những hạn chế mới đối với I-ran xoay quanh chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Đây có thể là cuộc thăm dò cuối cùng của CNN/ORC trước khi Quốc hội Mỹ tiến hành cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận hạt nhân I-ran vào trung tuần tháng 9 tới./.

Mai Nguyên (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất